HEN PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Võ Thị Ngọc Minh
2024-10-29

Hen phế quản hay hen suyễn ở trẻ em là bệnh đường hô hấp gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở. Căn nguyên bệnh do nhiều yếu tố gây nên, đặc biệt là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và môi trường sẽ làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hen suyễn ở trẻ em cần được tìm hiểu và điều trị kịp thời để có thể tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Tổng quan về hen suyễn ở trẻ em

Hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản hay bệnh suyễn) ở trẻ em xuất hiện khi phổi và đường thở bị viêm khi tiếp xúc với một số tác nhân, chẳng hạn như hít phải phấn hoa hoặc bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác. Hen suyễn ở trẻ em có thể gây ra các triệu chứng khó chịu hàng ngày gây cản trở vui chơi, thể thao, học tập và giấc ngủ. Ở một số trẻ em, hen suyễn không được quản lý có thể gây ra các cơn hen cấp nguy hiểm.

Hen suyễn ở trẻ em cũng tương tự như hen suyễn ở người lớn, nhưng trẻ em phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Bệnh này là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tỷ lệ trẻ nhập viện và nhập khoa cấp cứu cao. Thật không may, bệnh hen suyễn ở trẻ em không thể chữa khỏi và các triệu chứng có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Nhưng với phác đồ điều trị chuẩn, trẻ có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa thiệt hại cho phổi đang phát triển.

2. Triệu chứng hen suyễn ở trẻ em

Các triệu chứng hen suyễn thường gặp ở trẻ em bao gồm:

  • Ho thường tăng lên trẻ bị nhiễm virus, xảy ra trong khi trẻ đang ngủ hoặc được kích hoạt khi gắng sức hoặc không khí lạnh.
  • Tiếng rít hoặc khò khè khi thở ra.
  • Khó thở.
  • Ngực tắc nghẽn hoặc tức ngực.

Hen suyễn ở trẻ em cũng có thể gây ra:

  • Khó ngủ do khó thở, ho hoặc khò khè.
  • Những cơn ho hoặc khò khè nhiều hơn khi bị cảm lạnh hoặc cúm.
  • Chậm phục hồi hoặc viêm phế quản sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Khó thở làm cản trở vận động hoặc học tập.
  • Mệt mỏi, có thể là do giấc ngủ kém.

Các dấu hiệu hen suyễn khác nhau tùy theo từng trẻ và có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tốt hơn theo thời gian. Trẻ có thể chỉ có một dấu hiệu, chẳng hạn như ho kéo dài hoặc tắc nghẽn ngực. Tuy nhiên, rất khó để biết liệu có phải các triệu chứng của trẻ là do hen suyễn hay không. Khò khè tái phát hoặc kéo dài và các triệu chứng giống hen suyễn khác có thể được gây ra bởi viêm phế quản hoặc các vấn đề hô hấp khác.

 

Trẻ khó thở khi bị hen suyễn

3. Nguyên nhân hen suyễn ở trẻ em

Nguyên nhân bệnh hen suyễn ở trẻ em vẫn chưa được hiểu rõ. Một số yếu tố được cho là có liên quan bao gồm:

  • Cơ địa dị ứng.
  • Cha mẹ bị hen suyễn.
  • Một số loại bệnh nhiễm trùng hô hấp.
  • Tiếp xúc với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như khói thuốc lá hoặc ô nhiễm không khí khác.
  • Khi tiếp xúc với một số tác nhân, hệ thống miễn dịch tăng nhạy cảm làm cho phổi và đường thở bị phù nề và tạo ra chất nhầy. Các phản ứng này có thể bị trì hoãn, làm cho việc xác định các tác nhân khó khăn hơn. Một số yếu tố có thể gây kích hoạt cơn suyễn cấp bao gồm: nhiễm virus như cảm lạnh thông thường, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, như khói thuốc lá, dị ứng với mạt bụi, vẩy da thú cưng, phấn hoa hoặc nấm mốc, hoạt động thể chất, thời tiết thay đổi hoặc không khí lạnh. Đôi khi, các triệu chứng hen xảy ra không có tác nhân rõ ràng.

4. Điều trị hen suyễn ở trẻ em như thế nào?

Điều trị ban đầu tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn ở trẻ. Mục tiêu của điều trị hen suyễn là kiểm soát các triệu chứng, nghĩa là trẻ có:

  • Ít hoặc không có cơn hen bùng phát.
  • Không có giới hạn về hoạt động thể chất.
  • Sử dụng tối thiểu các loại thuốc cắt cơn như salbutamol (Ventolin).
  • Ít hoặc không có tác dụng phụ từ thuốc.

Điều trị hen suyễn bao gồm cả việc phòng ngừa lên cơn cấp và điều trị cơn hen suyễn đang diễn ra. Loại thuốc phù hợp cho trẻ phụ thuộc vào: tuổi, triệu chứng, tác nhân gây hen suyễn.

Đối với trẻ nhỏ hơn 3 tuổi có triệu chứng hen suyễn nhẹ, bác sĩ có thể tiếp tục theo dõi, chưa sử dụng thuốc ngay. Điều này là do tác dụng lâu dài của thuốc hen suyễn ảnh hưởng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi có những cơn khò khè thường xuyên hoặc nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị thử và đánh giá đáp ứng sau đó.

 

4.1. Thuốc kiểm soát cơn hen dài hạn

Thuốc phòng ngừa, kiểm soát lâu dài làm giảm triệu chứng viêm trong đường thở của trẻ. Trong hầu hết các trường hợp, những loại thuốc này cần được dùng hàng ngày, bao gồm:

  • Corticosteroid dạng hít:

Những loại thuốc này bao gồm fluticasone (Flixotide HFA), budesonide (Pulmicort Flexhaler), mometasone (Asmanex HFA), ciclesonide (Alvesco), beclomethasone (Qvar Redihaler). Trẻ có thể cần phải sử dụng các loại thuốc này trong vài ngày đến vài tuần trước khi có dấu hiệu chuyển bệnh. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài các loại thuốc này sẽ có liên quan làm giảm sự tăng trưởng của trẻ, nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Trong hầu hết các trường hợp, lợi ích của việc kiểm soát hen tốt sẽ tốt hơn nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra.

  • Điều chỉnh Leukotriene:

Những loại thuốc uống này bao gồm montelukast (Singulair), zafirlukast (Accolate) và zileuton (Zyflo). Những thuốc này giúp ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn đến 24 giờ.

  • Thuốc hít kết hợp:

Những loại thuốc này có chứa một corticosteroid dạng hít cộng với chất chủ vận beta tác dụng dài (LABA). Chúng bao gồm fluticasone và salmeterol (Seretide HFA), budesonide và formoterol (Symbicort), fluticasone và vilanterol (Breo Ellipta), mometasone và formoterol (Dulera). Trong một số tình huống, thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài có liên quan đến các cơn hen nặng. Vì lý do này, thuốc LABA phải luôn luôn được dùng kết hợp với corticosteroid. Những loại thuốc hít kết hợp này chỉ nên được sử dụng cho bệnh hen suyễn không được kiểm soát tốt bởi các loại thuốc khác.

 

Điều trị hen suyễn ở trẻ em cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ

 

  • Theophylin:

Đây là loại thuốc viên hàng ngày giúp cho đường thở thông thoáng. Theophylline (Theo-24) thư giãn các cơ xung quanh đường thở để giúp thở dễ dàng hơn. Nó chủ yếu được sử dụng với steroid dạng hít. Nếu dùng thuốc này, trẻ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên.

  • Thuốc điều hòa miễn dịch:

Mepolizumab (Nucala), dupilumab và benralizumab có thể sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi bị hen suyễn có tăng bạch cầu eosin nặng. Omalizumab (Xolair) có thể được xem xét cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên bị hen suyễn dị ứng từ trung bình đến nặng.

4.2. Thuốc cắt cơn

Thuốc cắt cơn có tác dụng làm giãn đường thở bị phù nề - cũng được gọi là thuốc cấp cứu. Thuốc cắt cơn được sử dụng khi cần thiết để giảm triệu chứng nhanh chóng, ngắn hạn trong cơn hen suyễn cấp hoặc trước khi tập thể dục nếu được bác sĩ khuyên dùng. Các loại thuốc cắt cơn bao gồm:

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn:

Những loại thuốc giãn phế quản dạng hít này có thể nhanh chóng làm giảm các triệu chứng trong cơn hen. Chúng bao gồm salbutamol (Ventolin HFA) và levalbuterol (Xopenex HFA). Chúng có tác dụng trong vòng vài phút và tác dụng kéo dài vài giờ.

  • Corticosteroid đường uống và tiêm tĩnh mạch:

Những loại thuốc này làm giảm viêm đường thở do cơn hen suyễn nặng, bao gồm prednisone và methylprednisolone. Chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài, vì vậy chúng chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng hen suyễn nặng trong thời gian ngắn.

5. Hen suyễn ở trẻ vào mùa lạnh

Có thể thấy rằng triệu chứng hen suyễn bị ảnh hưởng bởi mùa. Vào mùa lạnh, nhiệt độ xuống thấp, khi đi ra bên ngoài có thể khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Tập thể dục khi trời lạnh có thể xuất hiện các triệu chứng như ho và khò khè.

Mối quan hệ giữa thời tiết lạnh và hen suyễn có thể được giải thích như sau:

  • Không khí lạnh khô: Đường thở của trẻ được lót bằng một lớp chất lỏng mỏng. Khi hít thở không khí khô, chất lỏng đó sẽ bay hơi nhanh hơn mức có thể và đường thở khô bị kích thích và sưng lên, làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn. Không khí lạnh cũng khiến đường thở sản xuất ra một chất gọi là histamin, đây là chất hóa học mà cơ thể bạn tạo ra để chống dị ứng. Histamin gây ra thở khò khè và các triệu chứng hen suyễn khác.
  • Lạnh làm tăng chất nhầy: Đường thở của trẻ cũng được lót một lớp chất nhầy bảo vệ, giúp loại vật thể lạ. Với thời tiết lạnh, cơ thể trẻ sẽ tiết ra nhiều chất nhầy, nhưng nó dày và dính hơn bình thường. Chất nhầy dày lên làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác.

Để ngăn ngừa các cơn hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh, hãy cố gắng giữ trẻ ở trong nhà khi nhiệt độ xuống rất thấp. Trong trường hợp, phải đi ra ngoài, hãy che mũi và miệng trẻ bằng một chiếc khăn để làm ấm không khí trước khi trẻ hít vào. Đồng thời, nên cho trẻ uống thêm nước vào mùa đông - điều này có thể giữ cho chất nhầy trong phổi mỏng hơn và do đó cơ thể dễ dàng loại bỏ chất nhầy. Cố gắng tránh xa bất cứ ai có vẻ đang bệnh. Tiêm vắc xin cúm vào đầu mùa thu. Hút bụi và lau nhà thường xuyên để loại bỏ các chất gây dị ứng trong nhà. Giặt khăn trải giường và chăn mỗi tuần trong nước nóng để loại bỏ mạt bụi.

Danh mục: Dinh Dưỡng Cho Bé