RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG, GIẢM CHÚ Ý Ở TRẺ EM

Võ Thị Ngọc Minh
2024-11-05

Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em (ADHD) là một bệnh mạn tính, diễn biến cho đến độ tuổi trưởng thành. Trẻ bị ADHD có triệu chứng thiếu tập trung, hiếu động quá mức và hành vi bốc đồng. Điều này ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ, khả năng học tập của trẻ.

1. Tổng quan về rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em

Rối loạn tăng động, gảm chú ý (ADHD) là bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và thường tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm sự kết hợp của các vấn đề có tính chất bền vững, chẳng hạn như khó duy trì khả năng tập trung, hiếu động quá mức và có các hành vi bốc đồng.

Trẻ em bị ADHD cũng có thể phải vật lộn với lòng tự trọng thấp, gặp rắc rối với các mối quan hệ xã hội và thành tích học tập kém ở trường. Các triệu chứng đôi khi giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, một số người không bao giờ vượt qua được mà chỉ giảm nhẹ được các triệu chứng bệnh.

Mặc dù điều trị sẽ không chữa khỏi tăng động, giảm chú ý ở trẻ, nhưng nó có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh. Điều trị thường bao gồm thuốc và các can thiệp hành vi con người. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cải thiện sức khỏe của người bệnh.

2. Triệu chứng bệnh rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em (ADHD)

 

Triệu chứng chính của tăng động, giảm chú ý bao gồm hành vi không tập trung và hiếu động thái quá

Triệu chứng của tăng động, giảm chú  bao gồm hành vi không tập trung và hiếu động thái quá. Các triệu chứng này thường bắt đầu trước 12 tuổi và ở một số trẻ em xuất hiện sớm từ 3 tuổi, mức độ có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng và có thể tiếp diễn đến tuổi trưởng thành. ADHD xảy ra nhiều hơn ở nam so với nữ và các thay đổi hành vi có thể khác nhau ở nam và nữ. Ví dụ, con trai có thể hiếu động hơn và con gái có thể có xu hướng lặng lẽ, giảm chú ý.

Có ba dạng của tăng động, giảm chú ý:

  • Chủ yếu là giảm chú ý: Phần lớn các triệu chứng rơi vào tình trạng không tập trung.
  • Chủ yếu là hiếu động / bốc đồng: Phần lớn các triệu chứng là hiếu động và bốc đồng.
  • Kết hợp: Đây là sự pha trộn của các triệu chứng không tập trung và các triệu chứng hiếu động/ bốc đồng.

2.1 Giảm chú ý

Trẻ nhỏ mắc tăng động, giảm chú ý có khuynh hướng vô tâm có biểu hiện các hành vi:

 

  • Không chú ý đến chi tiết hoặc mắc lỗi bất cẩn trong học tập
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung vào các nhiệm vụ học tập hoặc vui chơi
  • Không nghe đối phương nói, ngay cả khi nói chuyện trực tiếp
  • Gặp khó khăn trong việc làm theo sự chỉ dẫn và không hoàn thành việc học hoặc việc vặt
  • Gặp khó khăn khi tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động
  • Tránh hoặc không thích các nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực tinh thần tập trung, chẳng hạn như bài tập về nhà
  • Mất các vật dụng cần thiết cho việc học hoặc các hoạt động khác, ví dụ như đồ chơi, bài tập ở trường, bút chì
  • Dễ bị phân tâm
  • Quên làm một số hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như quên làm việc vặt

2.2 Tăng động và bốc đồng

Trẻ có các triệu chứng hiếu động và bốc đồng có thể thường xuyên:

  • Có biểu hiện lo lắng bằng việc chạm tay hoặc chân vào nhau, hoặc vặn vẹo trên ghế
  • Gặp khó khăn khi ngồi trong lớp học hoặc trong các tình huống khác
  • Thường xuyên di chuyển, chuyển động liên tục
  • Chạy xung quanh hoặc leo trèo trong các tình huống không thích hợp
  • Gặp khó khăn khi chơi hoặc thực hiện một hoạt động cần giữ yên tĩnh
  • Nói quá nhiều
  • Ngắt lời, làm gián đoạn người hỏi
  • Gặp khó khăn khi chờ đến lượt của mình
  • Làm gián đoạn hoặc xâm phạm vào các cuộc trò chuyện, trò chơi hoặc hoạt động của người khác

Hầu hết trẻ em đều có biểu hiện giảm chú ý, hiếu động hoặc bốc đồng ở một số thời điểm. Ngay cả với trẻ lớn và thanh thiếu niên, chúng cũng chỉ chú ý vào những thông tin mà chúng quan tâm đến. Trẻ em không bao giờ được chẩn đoán là mắc tăng động, giảm chú ý chỉ vì có những biểu hiện khác với bạn bè hoặc anh chị em. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh cần được xem xét cẩn thận.

3. Nguyên nhân gây bệnh ADHD

Nguyên nhân chính xác gây ra tăng động, giảm chú ý vẫn chưa được làm rõ, những nỗ lực nghiên cứu vẫn tiếp tục. Các yếu tố có thể liên quan đến sự phát triển của ADHD bao gồm di truyền, môi trường hoặc các vấn đề với hệ thống thần kinh trung ương tại những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển.

4. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ADHD

 

Di truyền là một trong những yếu tố cần xem xét khi chẩn đoán ADHD

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ADHD bao gồm:

  • Di truyền: Cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ADHD hoặc một rối loạn sực khỏe tâm thần khác
  • Tiếp xúc với môi trường độc hại: Tiếp xúc với chì, được tìm thấy chủ yếu trong sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ
  • Mẹ có tiền sử sử dụng ma túy, rượu hoặc hút thuốc trong thai kỳ
  • Sinh non

5. Biến chứng của ADHD

Rối loạn tăng động, giảm chú ý có thể làm cho cuộc sống của trẻ trở nên khó khăn hơn. Trẻ bị ADHD:

  • Thường phải vật lộn trong lớp học, điều này có thể dẫn đến kết quả học tập thấp và phải đối mặt với sự phán xét của những đứa trẻ và người lớn khác
  • Có xu hướng gặp nhiều tai nạn và thương tích hơn tất cả các trẻ em không bị ADHD
  • Có xu hướng tự trọng thấp
  • Gặp khó khăn khi giao tiếp và được bạn bè và người lớn chấp nhận
  • Có nguy cơ lạm dụng rượu và ma túy và các hành vi phạm pháp khác

ADHD không gây ra các vấn đề tâm lý hoặc phát triển khác. Tuy nhiên, trẻ em bị tăng động, giảm chú ý có nhiều nguy cơ hơn trẻ bình thường khác như mắc phải:

  • Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Chứng rối loạn thường được định nghĩa là một mô hình của hành vi tiêu cực, thách thức và thù địch đối với các nhân vật có thẩm quyền
  • Rối loạn cư xử (Conduct disorder): Được chú ý thông qua các hành vi chống đối xã hội như ăn cắp, đánh nhau, hủy hoại tài sản và làm hại người hoặc động vật
  • Giảm khả năng học tập: Bao gồm các vấn đề về đọc, viết, hiểu và giao tiếp
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện: Bao gồm ma túy, rượu và hút thuốc
  • Rối loạn lo : Có thể gây lo lắng và hồi hộp quá mức và bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn khí sắc: Bao gồm trầm cảm và rối loạn lưỡng cực
  • Rối loạn phổ tự kỷ: Là rối loạn liên quan đến sự phát triển não bộ tác động đến cách một người nhận thức và giao tiếp với người khác
  • Rối loạn Tic hoặc hội chứng Tourette: Các rối loạn liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại hoặc âm thanh không không thể kiểm soát dễ dàng (tics)

6. Phòng ngừa bệnh ADHD

 

Mẹ bầu cần tránh tất cả những yếu có thể

gây hại cho thai nhi như thuốc lá, rượu,...

Để giúp giảm nguy cơ mắc ADHD cho trẻ:

  • Khi mang thai, tránh tất cả các yếu tố có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Ví dụ: không uống rượu, sử dụng chất gây nghiện hoặc hút thuốc lá.
  • Bảo vệ con bạn khỏi tiếp xúc với các chất ô nhiễm và độc tố, bao gồm khói thuốc lá và sơn chì.
  • Giới hạn thời gian tiếp xúc với màn hình: Mặc dù vẫn chưa được chứng minh, nhưng trẻ em có thể thận trọng để tránh tiếp xúc quá nhiều với TV và trò chơi video trong 5 năm đầu đời.

7. Chẩn đoán bệnh ADHD

Trẻ không nên được chẩn đoán rối loạn tăng động, giảm chú ý trừ khi các triệu chứng đặc trưng của ADHD bắt đầu sớm trước 12 tuổi gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở nhà và ở trường trên cơ sở liên tục.

Không có xét nghiệm cụ thể áp dụng trong chẩn đoán ADHD, trẻ thường được xác định bệnh thông qua các kiểm tra sức khỏe sau:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Giúp loại trừ các nguyên nhân khác có thể là triệu chứng của bệnh.
  • Hỏi bệnh: Trẻ sẽ được hỏi các câu hỏi bất kỳ về vấn đề sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh của trẻ, của gia đình và học bạ của trẻ.
  • Hỏi trực tiếp hoặc sử dụng bộ câu hỏi để giúp đưa ra cái nhìn chính xác từ các thành viên trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc, người giữ trẻ, và những đối tượng khác biết rõ về trẻ.
  • Tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD từ Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5, được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ
  • Thang đánh giá ADHD giúp thu thập và đánh giá thông tin về trẻ

Các dấu hiệu của tăng động giảm chú ý có thể xuất hiện rất sớm ngay ở tuổi mẫu giáo nhưng chẩn đoán bệnh rất khó khăn vì dễ nhầm lẫn với chậm ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Việc chẩn đoán bệnh cần phải được đánh giá cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần học, bác sĩ nhi khoa và các nhà nghiên cứu bệnh học.

Một số vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như ADHD, bao gồm:

  • Vấn đề học tập hoặc ngôn ngữ
  • Rối loạn khí sắc như trầm cảm hoặc lo lắng
  • Rối loạn co giật
  • Vấn đề về thị lực hoặc thính giác
  • Rối loạn phổ tự kỷ
  • Các vấn đề sức khỏe hoặc thuốc ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc hành vi
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Chấn thương sọ não

8. Điều trị bệnh ADHD

 

Thuốc là yếu tố cần thiết trong quá trình điều trị ADHD

Các phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho ADHD ở trẻ em bao gồm thuốc, các liệu pháp tập trung vào hành vi cư xử, tư vấn sức khỏe và giáo dục. Các phương pháp điều trị này có thể làm giảm nhiều triệu chứng của ADHD, nhưng không chữa khỏi bệnh. Bạn cần kiên nhẫn để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp nhất với trẻ.

Nếu con bạn đang được điều trị rối loạn tăng động, giảm chú ý, trẻ nên đi khám bác sĩ thường xuyên cho đến khi các triệu chứng được cải thiện phần lớn, và sau đó thường cứ sau 3 - 6 tháng cho đến khi các triệu chứng ổn định. Gọi cho bác sĩ nếu trẻ có biểu hiện như chán ăn, khó ngủ hoặc khó chịu, hoặc nếu các triệu chứng ADHD của trẻ không cải thiện nhiều so với điều trị ban đầu.

Danh mục: Dinh Dưỡng Cho Bé