BỆNH CÚM NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO? KHI NÀO BẠN CẦN SỰ HỖ TRỢ Y TẾ?
Cúm mùa là một căn bệnh viêm đường hô hấp đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh cúm mùa thường phổ biến hơn vào mùa đông do một số nguyên nhân như virus cúm có thể sống sót tốt hơn ở vùng khí hậu lạnh và khô do đó có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn . Vậy virus cúm và bệnh cúm có nguy hiểm không và tại sao từng có những đại dịch cúm toàn cầu?
1. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của bệnh cúm mùa là bao nhiêu?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh cúm mùa (thường được gọi là cúm) là một bệnh cấp tính do virus cúm gây ra và rất dễ lây lan từ người sang người thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, khi hắt hơi hoặc lây qua việc tiếp xúc với một số đồ vật có vi rút, hay qua bàn tay đưa lên miệng, mũi, mắt.
Có 3 chủng cúm mùa đó là cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó cúm A là chủng cúm mùa nguy hiểm nhất với nhiều chủng gây bệnh như là cúm A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1)... Cúm C gây bệnh gần giống với cảm lạnh thông thường. Còn virus cúm B chỉ có một chủng duy nhất. Tỷ lệ lưu hành các chủng cúm sẽ thay đổi tùy từng năm.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1.8 triệu người mắc cúm mùa. Bệnh cúm trở nặng và gây tử vong chủ yếu ở những nhóm người già và người mắc bệnh mạn tính.
Mặc dù khó có thể đánh giá đúng về tình hình dịch cúm hàng năm, nhưng ước tính có khoảng 3-5 triệu người bị bệnh nặng và có khoảng 250.000-500.000 người tử vong hàng năm do cúm trên toàn thế giới. Ở các nước phát triển, các trường hợp tử vong hầu hết xảy ra ở người già trên 65 tuổi.
Theo ước tính mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong hàng năm liên quan đến cúm mùa.
2. Biến chứng của bệnh cúm
Bệnh cúm mùa thường lành tính, tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, phù phổi do suy tim và thậm chí có thể gây tử vong.
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm cúm, nhưng nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng và biến chứng là các trường hợp:
- Người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính như COPD, hen phế quản, suy tim,...
- Người bị suy giảm sức đề kháng như bệnh nhân suy thận, đái tháo đường, những người nghiện rượu.
- Phụ nữ có thai
- Người già
- Trẻ nhỏ.
Cúm mùa nếu không được điều trị hoặc điều trị quá muộn sẽ khiến cho bệnh chuyển nặng, gây ra biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phổi
- Suy hô hấp.
- Ngoài ra, bệnh cúm còn gây ra biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu.
Phụ nữ có thai nếu bị cúm có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc gây sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, đặc biệt là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, nhưng không gây quái thai.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa với trẻ em đó là hội chứng Reye - đây là bệnh não não cấp và rối loạn chức năng gan. Mặc dù biến chứng này rất ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao. Hội chứng Reye thường gặp nhất ở trẻ em từ 2 đến 16 tuổi, thường xảy ra sau khi bị cúm vài ngày. Khi các triệu chứng của cúm tưởng chừng như đang giảm dần, thì đột nhiên trẻ có biểu hiện buồn nôn và nôn mửa. Khoảng 1-2 ngày sau đó, trẻ chuyển sang tình trạng mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong.
Biến chứng của cúm có thể gây viêm phổi
3. Cúm luôn có khả năng trở thành đại dịch
Không chỉ dừng lại ở những đợt bùng phát nhỏ hàng năm tại địa phương, bệnh cúm mùa có thể trở thành đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa thuật ngữ này là "sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng từ truyền từ người này sang người khác trên toàn cầu".
Cho đến nay, theo các số liệu thống kê chúng ta có thì thế giới đã từng trải qua nhiều vụ đại dịch do cúm mùa gây ra như:
- Đại dịch cúm Nga - Châu Á xảy ra vào năm 1889 - 1890 có tới 1 triệu ca tử vong.
- Đại dịch cúm tây ban nha xảy ra vào năm 1918 - 1920, khoảng 1 phần 3 dân số thế giới nhiễm bệnh và ước tính có tới 50 triệu ca tử vong, được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại
- Đại dịch cúm Châu Á xảy ra vào năm 1957 - 1958 khiến khoảng 1 - 1,5 triệu người tử vong.
- Đại dịch cúm Hồng Kông xảy ra vào năm 1968 - 1969 khiến 0,75 - 1 triệu người tử vong.
Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã có thể dự đoán rằng bệnh cúm, từng hai lần gây ra đại dịch vào cuối thế kỷ 19, sẽ tái phát, nhưng chúng ta gần như đã bất lực trong việc ngăn chặn đại dịch cúm H1N1 năm 1918 (H1N1).
Ngày nay, các kiến thức về virus cúm, năng lực nghiên cứu và sản xuất vắc xin và các loại thuốc kháng virus để ngăn chặn lây lan đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, thế giới vẫn dễ bị tác động bởi đại dịch cúm tiếp theo, thậm chí nó có thể lớn hơn đại dịch vào năm 1918, bởi tần suất và mật độ giao thương trên toàn cầu cao hơn trước đây rất nhiều, khiến cho bệnh cúm mùa dễ lây lan trên toàn thế giới.
4. Một người có thể vừa bị cúm vừa bị nhiễm COVID-19 không?
Mười một nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá về tỷ lệ hiện mắc với tổng số 3.070 bệnh nhân mắc CIVID-19, và có 79 bệnh nhân mắc đồng thời COVID-19 và cúm đã được chọn để đánh giá. Tỷ lệ nhiễm cúm ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 được xác nhận là 0,8%. Tần suất đồng nhiễm vi rút cúm ở bệnh nhân COVID-19 là 4,5% ở châu Á và 0,4% ở châu Mỹ. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác đã cho dữ liệu tỷ lệ đồng nhiễm có thể rất cao. Một nghiên cứu trên 48 bệnh nhân Covid-19 cho thấy bằng chứng về đồng nhiễm ở 34 bệnh nhân (chiếm 71%). Đồng nhiễm virus có liên quan đến việc tăng nhập hồi sức cấp cứu (ICU) và tử vong cao hơn. Hai phần ba số bệnh nhân COVID-19 nặng đã tử vong bị đồng nhiễm và Cúm A H1N1 là mầm bệnh duy nhất có mối liên hệ trực tiếp với tỷ lệ tử vong.
Mặc dù một tỷ lệ thấp bệnh nhân COVID-19 bị đồng nhiễm cúm, nhưng không thể bỏ qua khả năng bị đồng nhiễm, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao và người cao tuổi. Chúng ta vẫn cần có thêm thời gian và các nghiên cứu để đánh giá mức độ nguy hiểm của việc bị đồng nhiễm hai căn bệnh này.
Nếu gặp triệu chứng cúm nguy hiểm cần
đi khám để được điều trị hiệu quả
5. Dịch COVID-19 đang lan rộng, vậy khi nghi ngờ cúm có nên đi khám không?
Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn thế giới cũng như nước ta. Nhiễm COVID-19 và bị cúm có một số triệu chứng giống nhau. Nên nếu bạn có các triệu chứng cúm nguy hiểm cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời với thuốc kháng virus và các biện pháp thích hợp.
Triệu chứng cúm nguy hiểm ở trẻ em bao gồm:
- Trẻ thỏ nhanh, thở gắng sức, khó thở.
- Trẻ bị đau tức vùng ngực.
- Mặt và môi trẻ xanh xao, tái nhợt.
- Trẻ khó chịu hoặc không thể đi lại.
- Trẻ bị khô miệng, không đi tiểu trong 8 giờ, hoặc trẻ khóc không chảy nước mắt.
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
- Trẻ sốt cao trên 40 độ C.
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ bị sốt hoặc ho tái phát hoặc diễn biến xấu đi.
- Trẻ có bệnh lý mãn tính và các bệnh này trở nên nặng và nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng cúm nguy hiểm ở người lớn bao gồm:
- Thở nông hoặc khó thở
- Đau tức vùng ngực và đau bụng.
- Nhức đầu và chóng mặt kéo dài
- Không tỉnh táo.
- Không đi tiểu trong nhiều giờ liền.
- Sốt cao và co giật.
- Đau mỏi cơ với mức độ nghiêm trọng.
- Suy nhược, mất dần ý thức.
- Các triệu chứng sốt hoặc ho tái phát hoặc diễn biến xấu đi.
- Người mắc bệnh lý mãn tính và các bệnh lý này trở nên nặng và nghiêm trọng hơn.
Và điều quan trọng là cần nhớ tiêm phòng cúm hàng năm để được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm cúm cũng như nguy cơ tiến triển nặng, đặc biệt là với các đối tượng cơ nguy cơ cao.
6. Nên tiêm vắc xin phòng cúm ở đâu?
Để tiêm cúm, bạn nên lựa chọn các bệnh viện/Trung tâm tiêm chủng uy tín, cung cấp nguồn vắc xin đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy trình tiêm và theo dõi sau tiêm chặt chẽ, đảm bảo an toàn tiêm chủng.