BỆNH LAO CÓ MẤY LOẠI
Trong các loại bệnh lao thì lao phổi khá phổ biến do chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, còn có các thể lao ngoài phổi khác cũng cần được phát hiện và chẩn đoán để có thể điều trị kịp thời và hợp lý, mang lại hiệu quả điều trị cao. Việc phân loại bệnh như vậy nhằm giúp chẩn đoán chính xác đó là bệnh lao phổi hay lao ngoài phổi, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp. Cách tốt nhất để phòng chống bệnh Lao là tiêm vắc-xin ngay từ những tháng đầu tiên khi chào đời.
1. Phân loại bệnh lao theo vị trí giải phẫu
Phân loại bệnh lao theo vị trí giải phẫu gồm có:
- Lao phổi: là vi khuẩn lao gây tổn thương ở phổi và phế quản, gồm cả lao kê. Tuy nhiên, nếu có tổn thương phối hợp ở cả phổi và các cơ quan ngoài phổi thì đều được phân loại chung là lao phổi.
- Lao ngoài phổi: là vi khuẩn lao gây tổn thương ở các cơ quan bên ngoài phổi như màng phổi, hạch, màng bụng, cơ quan sinh dục và tiết niệu, da, xương, khớp, màng tim, màng não, ... Trong trường hợp bệnh lao ở nhiều bộ phận, nhưng bộ phận nào có tổn thương nặng nhất như lao màng não, lao xương, hay lao khớp... thì được xác định là chẩn đoán chính.
1.1. Phân loại bệnh lao phổi theo kết quả xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp
Trong lao phổi, phân loại theo kết quả xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp gồm có:
- Lao phổi có kết quả AFB (acid fast bacilli) dương tính (+).
- Lao phổi có kết quả AFB (acid fast bacilli) âm tính (-).
Lao phổi là bệnh phổ biến
1.2. Phân loại bệnh lao ngoài phổi
Mặc dù các bệnh lao ngoài phổi chiếm tỷ lệ thấp hơn trong các loại bệnh lao vì khó chẩn đoán, nhưng bệnh cũng cần được lưu ý để kịp thời phát hiện và có hướng điều trị thích hợp, tránh bỏ sót. Một số bệnh lao ngoài phổi thường gặp như:
- Bệnh lao hạch: thường gặp ở cổ. Hạch sưng to, kết cấu chắc, di chuyển được, sờ không đau nhưng sau đó các hạch dính vào nhau và kém di động, hạch có thể nhuyễn hóa và rò mủ. Bệnh lao hạch có thể được chữa khỏi tuy nhiên sẽ để lại sẹo xấu.
- Tràn dịch màng phổi do lao: triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh là đau ngực, khó thở với mức độ tăng dần, tiến hành khám phổi thì thấy có hội chứng 3 giảm. Siêu âm màng phổi thấy có dịch.
- Bệnh lao gây tràn dịch màng tim: triệu chứng lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào lượng dịch và tốc độ hình thành dịch ở màng tim. Bệnh có triệu chứng là đau ngực, khó thở, nổi tĩnh mạch cổ, chi dưới phù, nhịp tim nhịp nhanh, huyết áp kẹt, mạch đảo ngược nếu có hội chứng ép tim cấp tính. Nghe thấy có tiếng cọ màng tim ở giai đoạn sớm hoặc tiếng tim mờ khi tràn dịch nhiều. Chụp phim X-quang ngực cho hình bóng tim to, có hình giọt nước, hình đôi bờ. Siêu âm thấy có dịch màng ngoài tim.
- Bệnh lao gây tràn dịch màng bụng: sờ ổ bụng thấy các u cục, đám cứng. Các hạch dính vào ruột gây tắc hoặc bán tắc ruột. Siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh gợi ý lao màng bụng như hạch mạc treo to, hạch sau màng bụng, có dịch khu trú giữa các đám dính. Tiến hành nội soi ổ bụng có thể thấy các hạt lao.
- Bệnh lao màng não - não: triệu chứng lâm sàng của bệnh lý viêm màng não thường khởi phát bằng dấu hiệu đau đầu tăng dần và rối loạn tri giác. Khám thấy có dấu hiệu cổ cứng và Kernig dương tính. Tổn thương dây thần kinh sọ não và thần kinh khu trú, rối loạn cơ tròn. Tổn thương tủy sống gây liệt 2 chi dưới.
- Bệnh lao xương khớp: thường gặp ở xương cột sống với các triệu chứng như đau lưng, hạn chế trong vận động, đau đốt xương sống bị tổn thương trong giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, bệnh gây biến dạng gù xương cột sống hoặc liệt do tủy sống bị chèn ép.
- Bệnh lao tiết niệu - sinh dục: triệu chứng lâm sàng thường gặp là rối loạn bài tiết như tiểu buốt, tiểu rắt kéo dài từng đợt, thuyên giảm sau khi điều trị kháng sinh nhưng có tái phát, có thể tiểu ra máu không có máu cục, nước tiểu có màu đục, đau vùng thắt lưng âm ỉ. Ở nam giới, lao sinh dục có thể gây sưng đau tinh hoàn và mào tinh hoàn, tuy nhiên, ít gặp trường hợp viêm cấp tính hay tràn dịch màng tinh hoàn. Ở nữ giới, lao sinh dục có thể gây tiết dịch âm đạo bệnh lý hay khí hư, rối loạn kinh nguyệt, về lâu dài có thể dẫn đến mất kinh nguyệt và vô sinh.
- Một số thể lao ngoài phổi ít gặp khác như: lao da, lao lách, lao gan...
Bệnh lao hạch
2. Phân loại bệnh lao theo kết quả xét nghiệm vi khuẩn
Phân loại bệnh lao theo kết quả xét nghiệm vi khuẩn gồm có:
- Người bị bệnh lao có bằng chứng về vi khuẩn học: là người bệnh có ít nhất một trong các xét nghiệm như nhuộm soi đờm trực tiếp, nuôi cấy hoặc xét nghiệm vi khuẩn lao được WHO chứng thực như Xpert MTB/RIF (Mycobacterium tuberculosis/Rifampicin), HAIN (GenoType MTBDRplus) có kết quả xét nghiệm dương tính.
- Người bị bệnh lao không có bằng chứng về vi khuẩn học hay chẩn đoán lâm sàng: là người bệnh được chẩn đoán và điều trị bệnh lao bởi bác sĩ lâm sàng nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn có bằng chứng về vi khuẩn học. Nếu trong quá trình điều trị về sau có tìm thấy vi khuẩn lao bằng các xét nghiệm thì người bệnh được phân loại lại là có bằng chứng về vi khuẩn học.
3. Phân loại bệnh lao theo tiền sử điều trị lao
Phân loại bệnh lao theo tiền sử điều trị lao gồm có:
- Người bị bệnh lao mắc mới: là người bệnh chưa bao giờ dùng thuốc chống lao hoặc mới sử dụng thuốc chống lao nhưng dưới 1 tháng.
- Người bị bệnh lao tái phát: là người bệnh đã được điều trị lao và được các bác sĩ xác định là khỏi bệnh hoặc đã hoàn thành việc điều trị, tuy nhiên bị mắc bệnh trở lại với kết quả AFB dương tính, hoặc có bằng chứng về vi khuẩn thông qua xét nghiệm.
- Người bị bệnh lao điều trị thất bại gồm có:
- Người bệnh có kết quả AFB dương tính từ tháng điều trị thứ 5 trở lên và phải chuyển phác đồ điều trị;
- Người bệnh có kết quả chẩn đoán ban đầu với AFB âm tính, nhưng sau 2 tháng điều trị thì xuất hiện kết quả AFB dương tính;
- Người bị bệnh lao ngoài phổi xuất hiện thêm lao phổi với kết quả AFB dương tính sau 2 tháng điều trị;
- Người bệnh đa kháng thuốc, được xác định ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị với thuốc chống lao hàng thứ nhất.
- Người bị bệnh lao điều trị lại sau khi bỏ điều trị: là người bệnh không sử dụng thuốc liên tục nhiều hơn 2 tháng trong quá trình điều trị, sau đó người bệnh quay lại điều trị thì thấy kết quả AFB dương tính hoặc có bằng chứng về vi khuẩn thông qua xét nghiệm.
- Người bị bệnh lao khác gồm có:
- Bị lao phổi có kết quả AFB dương tính khác: là người bệnh đã được điều trị thuốc lao trước đây với thời gian điều trị kéo dài lớn hơn 1 tháng nhưng không xác định được phác đồ và kết quả điều trị, hoặc không rõ tiền sử điều trị như thế nào, nay lại được chẩn đoán là bị lao phổi với kết quả AFB dương tính.
- Lao phổi có kết quả AFB âm tính và lao ngoài phổi khác: là người bệnh đã được điều trị thuốc lao trước đây với thời gian điều trị kéo dài lớn hơn 1 tháng nhưng không xác định được phác đồ và kết quả điều trị, hoặc điều trị theo phác đồ với đánh giá là hoàn thành điều trị, hoặc không rõ tiền sử điều trị, nay lại được chẩn đoán là bị lao phổi với kết quả AFB âm tính hoặc lao ngoài phổi.
- Người bị bệnh lao từ nơi khác chuyển đến: là người bệnh được chuyển từ đơn vị điều trị khác đến để tiếp tục điều trị.
Điều trị bệnh lao phổi theo chỉ dẫn của bác sĩ
4. Phân loại bệnh lao theo tình trạng nhiễm HIV
Phân loại bệnh lao theo tình trạng nhiễm HIV gồm các trường hợp:
- Người bị bệnh lao có HIV dương tính: là người bệnh có kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
- Người bị bệnh lao có HIV âm tính: là người bệnh có kết quả xét nghiệm HIV âm tính. Lưu ý, các bệnh nhân lúc đầu có kết quả HIV âm tính nhưng sau đó xét nghiệm lại có kết quả HIV dương tính thì cần được phân loại lại.
- Người bị bệnh lao không rõ tình trạng nhiễm HIV: là người bệnh không có kết quả xét nghiệm HIV. Những bệnh nhân này sau khi có kết quả xét nghiệm HIV cần được phân loại lại.
5. Phân loại bệnh lao theo tình trạng kháng thuốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Phân loại bệnh lao theo tình trạng kháng thuốc gồm:
- Người bị bệnh lao kháng đơn thuốc: là người bệnh chỉ kháng duy nhất một thuốc chống lao hàng thứ nhất khác Rifampicin.
- Người bị bệnh lao kháng nhiều thuốc: là người bệnh kháng từ 2 loại thuốc chống lao hàng thứ nhất trở lên mà không kháng với Rifampicin.
Trong đó, bệnh nhân lao kháng Rifampicin thì có kháng hoặc không kháng thêm với các thuốc lao khác kèm theo; có thể là kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc.
- Bệnh nhân lao đa kháng thuốc MDR-TB (multidrug resistant tuberculosis) kháng đồng thời với ít nhất 2 loại thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin.
- Bệnh nhân lao tiền siêu kháng thì có kháng thêm với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolones hoặc với ít nhất một trong ba thuốc tiêm hàng thứ hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin, chứ không đồng thời cả 2 loại thêm.
- Bệnh nhân lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) có kháng thêm với bất kỳ loại thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolones và với ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm hàng thứ hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin.
- Bệnh nhân lao đa kháng theo tiền sử điều trị: gồm có các trường hợp là bệnh nhân lao đa kháng mới, tái phát, điều trị thất bại công thức I, điều trị thất bại công thức II, điều trị lại sau bỏ điều trị, lao đa kháng khác.
- Bệnh nhân lao đa kháng theo xét nghiệm trước điều trị: gồm có các trường hợp S+, C+; S-, C+ và S+, C-.
6. Phân loại bệnh lao theo tiền sử điều trị
Theo phân loại mới của WHO, bệnh lao theo tiền sử điều trị gồm có:
- Người bị bệnh lao mới: là người bệnh chưa bao giờ sử dụng thuốc chống lao hoặc mới dùng thuốc chống lao dưới 1 tháng.
- Người bị bệnh lao điều trị lại: là người bệnh đã sử dụng thuốc chống lao trên 1 tháng; có thể bị tái phát, điều trị thất bại, hoặc điều trị lại sau khi bỏ điều trị, điều trị lại khác.
- Người bị bệnh lao không rõ về tiền sử điều trị