Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích cần chú ý những gì?

Võ Thị Ngọc Minh
2021-03-22
các lưu ý khi bị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable bowel syndrome) hay còn gọi là Viêm đại tràng co thắt đó là các rối loạn chức năng của đại tràng, tái đi tái lại nhiều lần mà người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm nhưng đều không thấy bất kỳ một tổn thương thực thể nào về giải phẩu, tổ chức học cũng như sinh hóa ở ruột.

 

Những ai dễ mắc ruột kích thích?

IBS thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất từ 18-30 tuổi, giảm sau tuổi 50, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới tỷ lệ 2:1. Những người có trình độ học vấn cao, học sinh, cán bộ tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với công nhân, nông dân, thành thị mắc bệnh nhiều hơn ở nông thôn...

 

Nguyên nhân:

Cơ chế bệnh sinh hiện chưa rõ, bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, hai yếu tố chủ đạo là nhiễm trùng đường ruột và rối loạn tâm lý, ngoài ra yếu tố di truyền, ăn uống, dùng thuốc, nội tiết... Các yếu tố này làm phát sinh những động ruột bất thường, liên quan đến tính phản ứng cao của nhu động ruột và sự mẫn cảm của đường ruột.

 

Triệu chứng:

Hội chứng ruột kích thích là hội chứng rối loạn chức năng, không có tổn thương thực thể, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm cho người bệnh luôn lo lắng căng thẳng mất ngủ, lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột.

           

 

Các biểu hiện thường gặp bao gồm:

Đau bụng: là triệu chứng chủ yếu và thường gặp nhất, xuất hiện sau khi ăn, hay đau vùng bụng dưới và hố chậu trái. Giảm đau sau khi đại tiện hoặc trung tiện

Đại tiện lỏng: 3-5 lần/ngày, phân lỏng hoặc nát, phân có thể lẫn nhầy nhưng không bao giờ có máu theo phân.

Táo bón: đại tiện phân rắn, lượng ít, có thể lẫn nhầy và xuất hiện xen kẽ với đại tiện lỏng.

Chướng bụng: Thường nặng về ban ngày, đặc biệt sau buổi trưa, giảm về ban đêm sau khi ngủ.

Các triệu chứng trên thường tái phát lặp đi lặp lại, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: sốt, sút cân nhanh, đi ngoài ra máu tươi hoặc phân đen, tự sờ thấy khối bất thường ở bụng hoặc biểu hiện của thiếu máu như da niêm mạc nhợt, hay chóng mặt hoa mắt... thì cần cảnh giác và đến gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời.

 

Điều trị và phòng ngừa:

Điều trị IBS là một khó khăn chung cho cả Tây y và Đông y, mặc dù điều trị nhưng bệnh rất dễ tái phát, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Y học hiện đại:

Các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất sau điều trị nhưng rất dễ tái phát. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm: Thuốc bổ sung chất xơ; Thuốc chống tiêu chảy; Thuốc kháng cholinergic và chống co thắt; Thuốc chống trầm cảm; Thuốc kháng sinh...

Y học cổ truyền:

Hiện nay, dùng thuốc Đông y là một hướng điều trị ngày càng được nhiều người bệnh mắc IBS ưu chuộng sử dụng. Theo Đông y, hội chứng ruột kích thích được xếp vào các chứng: Tiết tả, phúc thống, phúc chướng, tiện bí... Nguyên nhân bệnh là do rối loạn công năng các tạng phủ, đặc biệt là tỳ vị, thận, can và các yếu tố đàm thấp, huyết ứ. Tùy theo nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng mà Đông y phân thành các thể bệnh khác nhau và dùng các bài thuốc cổ phương, nghiệm phương gia giảm các vị thuốc sao cho phù hợp. Nhưng pháp điều trị chủ đạo vẫn là điều hòa chức năng tỳ vị, hành khí chỉ thống, chỉ tả (nếu đại tiện lỏng), nhuận tràng thông tiện(nếu đại tiện táo)..

 

Để điều trị và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả, đối với bệnh nhân cần thực hiện tốt 1 số điểm sau:

1. Tránh căng thẳng, lo âu, suy nghĩ.

2. Ăn uống đúng giờ, lượng vừa phải, không nên ăn uống quá nhiều.

3. Kiêng đồ ăn tanh, lạnh, cay, ít dầu mỡ, lượng đạm vừa phải, tăng cường rau xanh chất xơ, hoa quả.

4. Hạn chế uống bia rượu và cà phê

5. Kiêng ăn những đồ ăn uống sinh hơi như: đồ uống có ga, các loại đậu, bắp cải, nho, táo...

Ts.Bs Trần Văn Chiển

Khoa Y học cổ truyền

Theo benhvien108.vn

Danh mục: Sống khỏe mỗi ngày