CÁCH GIẢM NGỨA CHO TRẺ KHI BỊ TAY CHÂN MIỆNG

Võ Thị Ngọc Minh
2024-09-25

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh có chiều hướng tăng cao đột ngột trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 4 và 9 - 12. Bệnh gây nguy hiểm với trẻ nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời. Trẻ bị mụn tay chân miệng có ngứa không và cách giảm ngứa tay chân miệng cũng là một kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh.

1. Triệu chứng nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng điển hình

Bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh (được tính là khoảng thời gian bị nhiễm bệnh cho đến thời điểm khởi phát triệu chứng) thường từ 3 - 7 ngày. Khi mắc bệnh các triệu chứng ban đầu ở trẻ có thể là sốt, kèm theo đau họng. Trẻ sẽ cảm giác khó chịu và bắt đầu biếng ăn. Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, trẻ sẽ xuất hiện các vết loét gây đau và mụn nước sẽ xuất hiện trong miệng hoặc họng của trẻ, hoặc cả hai.

Mụn nước có thể xuất hiện ở tay, chân, miệng, lưỡi, bên trong má, đôi khi xuất hiện ở mông (thường do tiêu chảy gây ra). Mụn tay chân miệng có ngứa không? Mụn nước tay chân miệng gây ngứa ít khi xảy ra ở trẻ em, tuy nhiên có thể tay chân miệng gây ngứa dữ dội ở người lớn khi bị bội nhiễm. Các vết loét và mụn nước do tay chân miệng gây ra thường tự khỏi trong 1 tuần hoặc lâu hơn. Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm và thường hay gặp ở trẻ em < 5 tuổi

2. Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng

 

Tay chân miệng giai đoạn 1: Giai đoạn ủ bệnh từ 3 – 7 ngày, khởi phát từ 1 – 2 ngày, các triệu chứng ở giai đoạn này như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, quấy khóc, tiêu chảy một vài lần trong ngày;

Tay chân miệng giai đoạn 2: đây là giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3 – 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như sau:

  • Loét miệng: Vết loét đỏ hay nổi phỏng nước đường kính 2 – 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau, bỏ ăn, bỏ bú, chảy nước dãi (triệu chứng này rất dễ nhầm với hiện tượng trẻ mọc răng);
  • Phát ban dạng phỏng nước: phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở gối, mông kéo dài trong thời gian ngắn (< 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, hiếm khi tay chân miệng gây loét hay bội nhiễm;
  • Sốt nhẹ, nôn: Nếu trẻ em bị sốt cao và nôn nhiều có thể là dấu hiệu nguy cơ biến chứng;
  • Biến chứng thần kinh (biến chứng viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch, hệ hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch) có thể xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Biến chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được theo dõi và điều trị bệnh kịp thời.

Tay chân miệng giai đoạn 3: Giai đoạn lui bệnh tay chân miệng thường bắt đầu từ ngày thứ 8 – 10, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xuất hiện biến chứng.

3. Cách giảm ngứa tay chân miệng

 

Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng gây ra, thường xảy ra ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ. Đến nay tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Tay chân miệng chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây ra và điều trị các biến chứng nếu có xảy ra. Đối với những trường hợp tay chân miệng nhẹ, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, thuốc an thần... Bệnh nhân cần được theo dõi sát, xử trí kịp thời những biến chứng xảy ra. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo trên da, song nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi-rút Entero 71, bệnh có thể dẫn đến tử vong (biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi..) nếu không xử trí kịp thời.

Tay chân miệng ở giai đoạn đầu từ 1 – 2 ngày bệnh không hề gây ngứa ngáy, khó chịu như một số bệnh lý ngoài da khác ở trẻ. Nếu nhận thấy con có dấu hiệu ngứa, gãi nhiều, đau rát khó chịu cần nhanh chóng đưa trẻ đi kiểm tra vì rất có thể các vết loét không còn đơn thuần là tay chân miệng mà có thể đã bị nhiễm trùng.

Mặc dù tay chân miệng không phải là một bệnh mới tuy nhiên vẫn có nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ. Sau đây là một số cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng và giảm ngứa tay chân miệng cho trẻ hiệu quả:

  • Có quan niệm cho rằng khi trẻ bị tay chân miệng, càng ủ trẻ, hạn chế tắm rửa để nốt ban phát ra càng nhiều sẽ càng mau lành. Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai bởi vì nếu các bậc phụ huynh ủ trẻ nhiều quá trẻ rất dễ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo, thậm chí gây ngứa ngáy khó chịu. Cần giữ cho các nốt ban thoáng mát, giúp mau lành hơn và không để lại sẹo, đồng thời giảm ngứa tay chân miệng hiệu quả;
  • Tay chân miệng có thể lây qua trung gian người chăm sóc, vì vật dù trẻ không đi nhà trẻ vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc người nhiễm không triệu chứng. Do đó cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ.
  • Sang thương da trong bệnh tay chân miệng không gây đau hay ngứa, vì vậy phụ huynh không nên tự ý cần bôi các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ với mục đích giảm ngứa tay chân miệng vì khi bôi thuốc sẽ che đi các dấu hiệu trên sang thương da, rất khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến của bệnh. Nếu tay chân miệng gây ngứa nhiều cần mang trẻ đến khám bác sĩ để được chỉ định thuốc bôi giảm ngứa phù hợp;
  • Nếu trẻ cảm giác ngứa ngáy khó chịu kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng thuốc điều trị triệu chứng như thuốc kháng histamin (thông thường như Chlorpheniramine, Theralene...), giúp giảm ngứa tay chân miệng;
  • Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ sẽ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh hơn, giảm bớt đau đớn và ngứa ngáy nếu có. Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bị tay chân miệng hàng ngày bằng xà phòng và nước sạch. Khuyến khích trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước chảy giúp ngăn ngừa sự tái nhiễm qua đường tay – miệng và bội nhiễm thêm vi khuẩn trên các nốt ban da;
  • Quần áo, tã lót, bình sữa và đồ chơi của trẻ bệnh tay chân miệng nên được tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt/rửa sạch lại bằng xà phòng,
  • Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol (liều 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần dùng cách nhau từ 4 – 6 giờ). Tuyệt đối không sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau Asoirin cho trẻ;
  • Có thể sử dụng Antacid dạng gel để chấm vào các vết sang thương ở miệng giúp trẻ giảm đau, giảm khó chịu và ăn uống dễ dàng hơn.

Như vậy bài viết trên đã đưa đến thông tin giúp giảm ngứa cho trẻ bị tay chân miệng. Hy vọng các bậc phụ huynh đã nắm được các cách giảm ngứa cho các con, giúp bé vượt qua bệnh lý này.

Danh mục: Sống khỏe mỗi ngày