CẮT AMIDAN THƯỜNG ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH TRONG TRƯỜNG HƠP NÀO
Viêm amidan là căn bệnh khó chịu, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy đây là một bệnh lành tính, nhưng nếu không chữa trị kịp thời và dứt điểm sẽ dẫn tới nguy cơ viêm nhiễm toàn bộ vùng họng, ung thư amidan, ngưng thở khi ngủ, viêm màng tim, viêm khớp, viêm mũi xoang, ... Vậy viêm amidan có nên cắt không?
1. Viêm amidan là gì?
Viêm amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai - mũi - họng, đặc biệt là ở trẻ em, trong khi đó người trưởng thành ít mắc hơn. Đặc biệt, viêm amidan thường tái đi tái lại, dễ biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thời gian học tập và làm việc của người bệnh.
Amidan là những tế bào lympho giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG cần thiết trong miễn dịch. Đây là hàng rào miễn dịch vùng họng - miệng, hoạt động mạnh từ độ tuổi 4 - 10 tuổi. Sau khi đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan sẽ giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.
Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại quá mức dẫn đến tình trạng viêm tấy, đỏ. Hậu quả là tại Amidan sẽ tập trung các “xác” vi khuẩn và “xác” bạch cầu, mô hoại tử hình thành các cục mủ rất hôi. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống chọi với vi khuẩn bị yếu đi. Lúc này, chính các ổ viêm nằm trong Amidan (lò viêm) lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.
Viêm amidan
2. Nhận biết viêm amidan
- Khô họng, hơi thở có mùi: Do các vi khuẩn tích tụ ở amidan và các dịch mủ tồn đọng, thường đi kèm với một số triệu chứng như hơi thở có mùi, khô họng, ngứa họng, cảm giác họng có dị vật;
- Amidan phì đại: Hay gặp ở trẻ em, đôi khi gây khó khăn trong ăn uống, giọng nói không rõ ràng (giọng ngậm hạt thị), hệ hô hấp không thông thoát hoặc gây ngáy khi ngủ hoặc thậm chí ngưng thở khi ngủ. Nếu amidan phì đại quá mức có thể dẫn đến việc rối loạn cộng hưởng hơi thở, tiếng nói và nuốt.
- Amidan có hiện tượng xuất huyết, hốc miệng có những chấm mủ trắng hoặc vàng.
- Xuất hiện hạch bạch huyết trong cổ, đặc biệt là hạch bạch huyết ở thành sau họng, có thể đỏ, sưng to và đau, lượng tế bào bạch huyết tăng đáng kể.
- Phản ứng phụ: Khi bị viêm amidan, dịch tiết ra sẽ đi xuống dạ dày, các độc tố tiết ra được hấp thụ và gây phản ứng phụ toàn thân như sốt, khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, đau đầu và một số triệu chứng khác.
3. Biến chứng của viêm amidan
- Viêm tấy - Abscess quanh Amidan: Viêm Amidan nhiều lần thường dẫn đến áp-xe quanh amidan, gây đau họng, khó nuốt, nói không ra tiếng, đau đầu, sốt cao, hơi thở có mùi hôi, chảy nước dãi do không thể nuốt được, há miệng hạn chế.
- Độc tố của liên cầu khuẩn tiết ra khiến bệnh nhân nổi ban, nổi hạch, đau họng, nhức đầu, ói mửa, sốt cao, Amidan sưng to, họng đỏ, lưỡi đỏ, nhịp tim nhanh. Có trường hợp gặp phải các biến chứng viêm màng ngoài tim cấp,viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, ....
- Viêm khớp cấp: Triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp cổ tay, khớp đầu gối, các ngón tay, ngón chân, toàn thân mệt mỏi, uể oải. Sau biến chứng viêm khớp thường dẫn đến bệnh lý màng tim.
- Viêm cầu thận sau viêm Amidan và có thể chuyển thành viêm thận cấp rất đáng lo ngại. Bệnh nhân sẽ có hiện tượng phù chân, phù mặt, nhất là khi vừa ngủ dậy.
- Rối loạn nhịp thở khi ngủ do Amidan phì đại, nếu đồng thời có VA phì đại sẽ xuất hiện triệu chứng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, nghiêm trọng hơn có thể gây thiếu oxy, ngủ không yên giấc.
4. Viêm amidan nên làm gì?
Viêm Amidan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm, cần phải được điều trị sớm. Trong trường hợp viêm Amidan cấp hoặc đợt cấp tái phát của viêm Amidan mạn, mỗi đợt cần dùng thuốc khoảng 10 ngày, do các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng điều trị và theo dõi.
Khám viêm amidan mạn với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng
5. Viêm amidan có nên cắt không?
Không ít trường hợp khi thấy con bị viêm amidan vài lần, phụ huynh liền đến bác sĩ để cắt amidan cho trẻ. Quan niệm này sai lầm.
Trên thực tế, chỉ định cắt Amidan là rất hạn chế vì Amidan có nhiều lợi ích đối với cơ thể trẻ em. Đa số các trường hợp Viêm amidan nhẹ và không cần thiết phải cắt. Khi Amidan bị viêm nhiễm nhiều, Amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể thì mới nghĩ đến cắt bỏ. Người bệnh bị viêm Amidan cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt Amidan nếu cần thiết.
Chỉ định cắt Amidan trong những trường hợp sau:
- Viêm amidan nhiều đợt cấp từ 5 - 6 lần trong vòng một năm hoặc viêm Amidan gây nên những biến chứng: viêm tai giữa, viêm xoang hoặc biến chứng nặng như: thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận....
- Amidan có kích thước quá to, cản trở ăn uống, gây ra ngủ ngáy, gây ngưng thở lúc ngủ hoặc gây nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.
- Viêm Amidan mạn tính kéo dài, đã điều trị nội khoa tích cực trong 4 – 6 tuần nhưng bệnh nhân vẫn đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi.
- Áp-xe quanh amidan và có ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
- Ngoài ra, cắt amidan còn được chỉ định khi có nhiều ngóc ngách của amidan chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng (sỏi Amidan), nuốt vướng hoặc nghi ngờ khối u ác tính.
6. Lưu ý trước khi thực hiện cắt amidan
Có thể cắt Amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường sau 4 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi Amidan quá to, gây ra cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.
Không cắt Amidan ở bệnh nhân có rối loạn đông cầm máu bẩm sinh hoặc mắc phải (bệnh Hemophilia A, B, C; suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu...). Nên trì hoãn việc cắt Amidan khi bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại chỗ, có bệnh mạn tính điều trị chưa ổn định (tiểu đường, lao, cường giáp...) hay ở vùng đang có bệnh dịch, phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh...
7. Biến chứng có thể gặp phải khi cắt amidan
Cắt Amidan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân như: phản ứng với thuốc gây mê - tê, cắt không đúng kỹ thuật, cắt chạm mạch máu lớn gây chảy máu không cầm được, bệnh nhân có rối loạn đông máu...
Vì vậy trước khi cắt Amidan, bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm rất kỹ về các chức năng gan, thận và khả năng đông máu để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Nếu có chỉ định cắt Amidan, bệnh nhân nên thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng, không nên phẫu thuật ở các phòng mạch tư vì rất dễ gặp sự cố.
Sau phẫu thuật cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng. Sau cắt Amidan từ 7 - 10 ngày nếu có chảy máu bệnh nhân cần đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời. Đối với trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi, nên hạn chế cắt Amidan vì trẻ dưới 5 tuổi cắt Amidan có thể ảnh hưởng khả năng miễn dịch, người trên 45 tuổi cắt Amidan sẽ dễ bị chảy máu do Amidan xơ dính hoặc có các bệnh khác kèm theo như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường...