CHĂM SÓC SỨC KHỎE KHI BỊ CẢM CÚM
Bệnh cảm cúm gây nhiều triệu chứng khó chịu như sốt cao, ớn lạnh, đau đầu chóng mặt, hắt hơi, sổ mũi,... Chăm sóc người bị cảm cúm đúng cách giúp người bệnh nhanh hồi phục và hạn chế nguy cơ lây bệnh cho người khác.
1. Bệnh cảm cúm là gì?
Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virut gây ra. Các triệu chứng của cảm cúm là bệnh nhân đột ngột sốt cao (39-400 C) trong vài giờ rồi giảm dần sau đó lại tăng lên, người bệnh có cảm giác ớn lạnh, rét run, đổ mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, ù tai, hắt hơi, sổ mũi, ho khan, viêm họng, khàn tiếng, buồn nôn, nôn, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, suy nhược.
Bệnh cảm cúm thường lành tính, sau 3-5 ngày các triệu chứng sẽ giảm dần và tự khỏi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp cảm cúm biến chứng nặng, khi có triệu chứng bệnh cần khám bác sĩ để phân biệt cảm cúm thông thường với các loại cúm nguy hiểm, như cúm gia cầm,...
Bệnh cảm cúm thường sốt cao
2. Cách chăm sóc người bị cảm cúm nhanh khỏi bệnh
Nếu bạn là người chăm sóc người bị cảm cúm trong gia đình, một số lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn chăm sóc tốt cho người ốm đồng thời bảo vệ sức khỏe bản thân, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
2.1 Cách chăm sóc người bị cảm cúm
Bệnh cảm cúm thông thường không có thuốc điều trị đặc hiệu, để nhanh khỏi bệnh, nên cho người bệnh nghỉ ngơi ở nên yên tĩnh, thoáng mát, không nên cho người bệnh nằm phòng máy lạnh vì sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng khàn cổ, khàn tiếng, bệnh khó thuyên giảm.
Hạn chế cho người bệnh tiếp xúc với những người xung quanh đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Khi bị sốt, cho người bệnh uống thuốc hạ sốt paracetamol liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung Vitamin C liều cao để tăng sức đề kháng, uống oresol để bổ sung nước, điện giải. Tăng cường dinh dưỡng cho chế độ ăn, cho người bệnh ăn các thực phẩm mềm dễ tiêu, các món ăn giải cảm như cháo hành, cháo tía tô, uống nước sả- gừng- mật ong, trà gừng, nước hoa quả tươi để nhanh chóng lành bệnh.
Cho xông bằng cách loại lá thơm như ngải cứu, lá cúc tần, lá bưởi, lá chanh, sả,..cũng là một cách giải cảm rất tốt. Nên súc họng, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để giảm bớt các triệu chứng của cảm cúm trên đường hô hấp.
Khi bắt buộc phải ra khỏi nhà, nhắc nhở người bệnh nên đeo khẩu trang y tế, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp làm lây bệnh cho người khác.
Nếu sau 7 ngày mà người bệnh không giảm sốt, người mệt mỏi, thở gấp, khó thở nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị, phòng ngừa các biến chứng nặng.
2.2 Cách phòng ngừa nguy cơ mắc cúm cho người chăm sóc
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, hạn chế các nguy cơ bị lây bệnh cảm cúm, người chăm sóc cần chú ý:
- Rửa sạch tay bằng xà phòng sau mỗi lần chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh. Rửa tay bằng xà phòng giúp loại bỏ các virut gây bệnh, ngăn ngừa virut cúm xâm nhập vào cơ thể. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc, súc họng, nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
Rửa tay bằng xà phòng nhằm tránh lây nhiễm virut
- Cho người bệnh dùng riêng bát, đũa, thìa, cốc,... Sau khi rửa sạch bằng nước rửa chén, nên tráng lại bằng nước sôi. Không ôm quần áo bẩn của người cảm cúm vào người, không ăn thức ăn thừa của người bệnh, hạn chế ngủ chung giường.
- Để chăm sóc tốt sức khỏe cho người bệnh, điều quan trọng là người chăm sóc phải đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình. Nên ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, chú ý nghỉ ngơi ngơi để đảm bảo sức khỏe.
Bệnh cúm tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, học tập người bệnh. Tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm là cách hiệu quả để ngăn ngừa bệnh cảm cúm. Vắc xin cúm an toàn có thể tiêm cho tất cả các đối tượng kể cả trẻ em (lớn hơn 6 tháng tuổi), phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính,...