DINH DƯỠNG CHO TRẺ DƯỚI 1 TUỔI

Võ Thị Ngọc Minh
2024-10-14

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ dưới 1 tuổi. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ ít bị đau ốm, phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. Vậy nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi như thế nào là hợp lý? Bài viết hôm nay sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên.

1. Quá trình phát triển của trẻ em dưới 1 tuổi

Quá trình phát triển của trẻ về thể chất bao gồm sự tăng trưởng về cân nặng và chiều cao. Trẻ sơ sinh có mức cân nặng trung bình khoảng từ 2800 – 3000g, các bé trai thường có cân nặng lớn hơn các bé gái. Cân nặng của trẻ tăng nhanh trong năm đầu tiên, theo đó 3 tháng đầu tiên mức cân nặng của trẻ tăng khoảng từ 1000 – 1200 g mỗi tháng, từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 tăng khoảng từ 500 – 600 g mỗi tháng và mức cân nặng tăng khoảng từ 300 – 400 g mỗi tháng khi trẻ từ tháng thứ 7 đến 1 năm tuổi.

Bên cạnh sự tăng trưởng về cân nặng, chiều cao của trẻ trong giai đoạn này cũng phát triển nhiều so với lúc mới sinh. Chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh trong khoảng từ 48 – 50 cm và các bé trai thường có chiều cao lớn hơn các bé gái. Trong 3 tháng đầu sau sinh, chiều cao của trẻ tăng trung bình 3 – 3,5 cm mỗi tháng. Trẻ ở giai đoạn 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi, chiều cao tăng khoảng 2cm mỗi tháng, và mức tăng chiều cao khoảng từ 1 – 1,5 cm khi trẻ ở giai đoạn từ 6 tháng tuổi đến 1 năm. Theo đó, chiều cao khi trẻ 1 tuổi gấp 1,5 lần lúc mới sinh (khoảng 75 cm).

Cùng với quá trình phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhũ nhi là vô cùng quan trọng, trẻ càng nhỏ thì nhu cầu dinh dưỡng càng cao. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ ở giai đoạn 6 tháng tuổi có cân nặng tăng gấp đôi so với lúc mới sinh, đến giai đoạn 12 tháng tuổi cân nặng của trẻ tăng gấp 3 so với lúc mới sinh và tốc độ tăng sẽ chậm dần cho tới khi trưởng thành. Vì vậy, để trẻ có tốc độ tăng trưởng đạt tiêu chuẩn thì dinh dưỡng cũng như năng lượng cần đáp ứng đủ yêu cầu.

2. Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em dưới 1 tuổi

Trẻ em dưới 1 tuổi đang ở giai đoạn phát triển nhiều về cân nặng và chiều cao. Do vậy, các bậc cha mẹ cần nắm vững nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em dưới 1 tuổi để từ đó có thể xây dựng chế độ chăm sóc trẻ tốt.

2.1. Nhu cầu về năng lượng

Năng lượng của trẻ ở giai đoạn này gồm 50% đáp ứng nhu cầu chuyển hóa cơ bản, 25% dành cho các hoạt động và 25% còn lại dành cho quá trình phát triển. Theo các chuyên gia, tỷ lệ giữa bề mặt da và cân nặng ở trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn so với người trưởng thành nên năng lượng tiêu thụ để giữ ấm cơ thể cũng cao hơn. Năng lượng cung cấp từ sữa mẹ đáp ứng được nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu và khi trẻ lớn hơn thì cha mẹ nên cung cấp năng lượng cho trẻ thông qua các bứa ăn dặm  sữa bột...

2.2. Nhu cầu về protein

Một trong những nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em dưới 1 tuổi là protein. Nhu cầu protein của trẻ ở giai đoạn này thường cao do tốc độ phát triển của xương, mô và cơ. Nhu cầu protein hàng ngày theo cân nặng của trẻ là 2,2 g/kg và mức nhu cầu này sẽ giảm xuống còn 1,4 g/kg khi trẻ lớn hơn 4 tháng tuổi. Theo khuyến cáo của WHO/UNICEF, trẻ em dưới 6 tháng tuổi nên được bú sữa mẹ hoàn toàn để được cung cấp đủ protein giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ nên đảm bảo cung cấp cho trẻ protein có giá trị sinh học cao từ 70 – 85% qua các thực phẩm chứa nhiều protein như sữa, thịt, trứng...

 

 

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em dưới 1 tuổi gồm protein

 

 

2.3. Nhu cầu về lipid

Lipid có vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, các acid béo cần thiết và hỗ trợ việc hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A D, K, E). Chính vì vậy, lipid là một trong những thành phần quan trọng trong nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em dưới 1 tuổi. Theo đó, nhu cầu về lipid của trẻ em ở giai đoạn này được xác định dựa vào lượng sữa trung bình mà trẻ bú được và lượng chất béo trung bình có trong sữa mẹ. Ở giai đoạn trẻ bắt đầu tập ăn, lượng sữa trẻ nhận được từ mẹ sẽ ít đi, vì vậy cha mẹ cần chú ý cung cấp đủ lượng chất béo trong các bữa ăn cho trẻ để tránh tình trạng dinh dưỡng giảm lượng chất béo đột ngột.

Theo các nghiên cứu, các acid béo chuỗi dài có các mạch kép như Polyunsaturated fatty acids - PUFA, docosapentaenoic acid (DHA), Eicosapentanoic acid (EPA) được phát hiện là có nhiều trong sữa mẹ và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vỏ não.

2.4. Nhu cầu về glucid và vitamin

 

Glucid đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, 37% năng lượng của trẻ được cung cấp bởi glucose và 8% glucid có trong sữa mẹ là lactose (khoảng 7g trong 100 ml sữa).

Bên cạnh đó, nhóm các vitamin là một trong những thành phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ. Đối với các vitamin tan trong nước như vitamin C, B1, B2, B3 thì trẻ có thể được cung cấp đầy đủ từ sữa mẹ khi mẹ được ăn uống đầy đủ. Nhu cầu tiêu chuẩn của các vitamin này chủ yếu dựa vào hàm lượng và giới hạn an toàn cho trẻ.

 

Bảng 1. Nhu cầu vitamin cho trẻ dưới 1 tuổi

Vitamin Trẻ dưới 6 tháng Trẻ 6 – 11 tháng
Vitamin B1 (mg) 0,2 0,5
Vitamin B2 (mg) 0,2 0,4
Vitamin B3 (mg) 2,0 4,0
Vitamin C (mg) 25 30

 

Đối với các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D... Nhu cầu vitamin A được đề nghị ở trẻ dưới 1 tuổi là 375 g/ngày. Bên cạnh đó, vitamin Dcó vai quan trọng trong sự phát triển xương và răng của trẻ, hàm lượng vitamin D là 1000 IU/ngày có vai trò phòng còi xương, hàm lượng 200 IU/ngày có vai trò thúc đẩy chuyển hóa canxi và phát triển khung xương. Lượng vitamin D trẻ được cung cấp từ sữa mẹ là 500IU/ngày, do đó các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung lượng vitamin D trong đầu tuần sau sinh là 200IU/ngày.

2.5. Nhu cầu về các chất khoáng

 

Bên cạnh nhu cầu về năng lượng và vitamin thì các chất khoáng bao gồm canxi, sắt, kẽm.. có vai trò quan trọng trong nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em dưới 1 tuổi. Theo đó, canxi tham gia vào quá trình tạo mô xương và răng, nhu cầu canxi hàng ngày của trẻ từ 400 – 600 mg/ngày. Phần lớn canxi của trẻ được cung cấp từ sữa mẹ, tuy nhiên lượng vitamin D cũng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ để hấp thu canxi tốt hơn.

Đối với chất khoáng là sắt, việc cung cấp cho trẻ cần được cân nhắc và xem xét vì trẻ sinh ra khỏe mạnh đủ cân có lượng sắt dự trữ trong cơ thể đủ cung cấp cho 3 tháng đầu. Ở giai đoạn trẻ từ 6 tháng trở lên bắt đầu ăn dặm, cha mẹ cần chú ý tới việc bổ sung sắt từ các thực phẩm giàu sắt để đáp ứng nhu cầu phát triển tốt của trẻ.

Chất khoáng kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, miễn dịch và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Nhu cầu kẽm của trẻ tùy thuộc vào mức hấp thu và giai đoạn phát triển của trẻ như trẻ đang bú mẹ hoàn toàn, trẻ có dùng thêm sữa ngoài hay đã bắt đầu ăn dặm... Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) bổ sung kẽm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy là 10 mg/ngày và trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi là 20 mg/ngày trong vòng 14 ngày.

3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em dưới 1 tuổi

 

Ở mỗi giai đoạn phát triển trong năm đầu đời, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ là khác nhau. Theo đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ dưới một tuổi được chia thành 4 giai đoạn như sau:

3.1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 0 – 4 tháng tuổi

 

Đối với trẻ sơ sinh mới chào đời thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất để phát triển toàn diện về thể chất cũng như là trí não. Vì vậy, trẻ em trong giai đoạn từ 0 - 4 tháng tuổi nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Sữa mẹ chứa đủ nước và các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong 6 tháng đầu như chất béo, vitamin, protein, khoáng chất... Mẹ nên cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ thấy đói và ít nhất là 8 lần trong ngày.

Sữa mẹ trong bầu vú được chia làm 2 phần, phần sữa đầu chứa nhiều nước nên giúp bé giải khát, phần sữa cuối giúp bé phát triển do chứa nhiều chất dinh dưỡng. Vì vậy, mỗi lần cho trẻ bú mẹ nên cho trẻ bú hết một bên rồi hãy chuyển sang bên kia để giúp trẻ hấp thu hết dưỡng chất của sữa và giúp trẻ tăng cân.

 

 

Trẻ em trong giai đoạn từ 0 - 4 tháng tuổi nên được bú sữa mẹ hoàn toàn

 

 

3.2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 4 – 6 tháng tuổi

 

Ở giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa bột vẫn là thành phần chính trong bữa ăn của trẻ. Lượng sữa trẻ bú trong ngày dao động trong khoảng từ 830 – 1330 ml. Tuy nhiên ở giai đoạn này, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn ngoài khi có các dấu hiệu như:

  • Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ không được đáp ứng đủ từ sữa mẹ.
  • Trẻ vẫn chưa no, còn thấy đói khi bú mẹ từ 8 – 10 lần mỗi ngày (tương đương với 1 lít sữa bột).
  • Mức độ tăng cân của trẻ chậm và số cân nặng không phù hợp với cột mốc phát triển theo độ tuổi.

Các mẹ nên bắt đầu chế độ ăn cho trẻ bằng các loại rau, củ, quả xay nhuyễn pha với sữa mẹ hoặc sữa bột và dần dần điều chỉnh lượng rau củ theo sự tiếp nhận và khẩu vị của trẻ.

3.3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 6 – 10 tháng tuổi

 

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ở giai đoạn này bắt đầu tăng lên. Theo đó trẻ ở giai đoạn này vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa bột khi đói, tuy nhiên các mẹ cần tập cho trẻ ăn dặm bằng cách cho trẻ làm quen với cháo bột, cháo dinh dưỡng. Khi bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa của bé cần có thời gian thích nghi với thức ăn, bé cần tập cách nhai, đảo thức ăn trong miệng và nuốt thức ăn. Do đó, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn mỗi lần 2 – 3 thìa nhỏ và ăn 2 lần trong ngày, thời gian bắt đầu tập ăn khoảng 2 – 3 ngày mỗi tuần. Sau đó, mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn cho phù hợp với trẻ như tăng độ đậm nhạt của thức ăn...

Trẻ em bước vào giai đoạn 7 – 8 tháng tuổi bắt đầu bú ít sữa mẹ hoặc sữa bột khi mà thức ăn trở thành nguồn dinh dưỡng chính. Ở giai đoạn này, bữa ăn dặm của trẻ nên được mẹ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng gồm chất béo, đạm, chất bột, vitamin và chất khoáng... Các nguồn thực phẩm cung cấp protein nhiều như thịt, cá, trứng,... Lượng chất béo cung cấp cho trẻ theo nguyên tắc mỗi mỗi chén cơm, cháo hoặc bột chứa 1 muỗng nhỏ dầu ăn hay mỡ động vật. Bên cạnh đó, lượng rau củ quả mỗi ngày cho bé thay đổi từ 2 muỗng đến 2 cốc tùy thuộc vào mức độ hấp thu và đáp ứng của bé. Các mẹ có thể xay nhuyễn các loại rau, thịt, cá và nấu chung với cháo để bé tập ăn nhanh hơn...

3.4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 10 – 12 tháng tuổi

 

Trẻ ở giai đoạn 10 – 12 tháng tuổi thì dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa bột không còn đủ cho việc phát triển của trẻ. Chính vì vậy đây là giai đoạn mà cha mẹ cần chú trọng bổ sung các bữa ăn với đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như sau:

  • Bột đường: Sắn, gạo, mì, khoai...
  • Protein: Thịt, tôm, cua, cá, trứng...
  • Vitamin, chất xơ: Trái cây, rau, củ...
  • Lipid: Phô mai, các loại hạt, dầu ăn, sữa...

Bữa ăn cho trẻ nên được chia thành 3 bữa nếu trẻ còn bú mẹ và 5 bữa nếu trẻ không còn bú sữa mẹ. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên xen kẽ các bữa ăn phụ như phô mai, trái cây...

Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi là rất quan trọng cho quá trình phát triển về thể chất và trí tuệ. Chính vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ và có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển tốt của trẻ.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Danh mục: Dinh Dưỡng Cho Bé