ĐỘT NGỘT BỊ ĐIẾC, DỪNG CHỦ QUAN
Điếc đột ngột là tình trạng mất hoặc giảm thính lực xảy ra nhanh chóng, phần lớn chỉ xuất hiện ở 1 tai. Đây được xem là một cấp cứu của chuyên khoa tai - mũi - họng.
Chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể làm giảm hiệu quả và cơ hội phục hồi thính lực của bệnh nhân.
Những triệu chứng
Điếc đột ngột (ĐĐN) có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường gặp ở người lớn độ tuổi 40 và 50. Khoảng 32- 65% số bệnh nhân ĐĐN tự cải thiện thính lực một phần hoặc hoàn toàn trong vòng 1-2 tuần sau khởi phát. Tuy nhiên, bệnh có thể không thuyên giảm kể cả khi điều trị tích cực.
Triệu chứng điển hình của ĐĐN là buổi sáng thức dậy, bệnh nhân có cảm giác nghe kém 1 bên tai, thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân nghe điện thoại. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo là ù tai, chóng mặt. Các triệu chứng này tiến triển nhanh trong vài phút đến vài giờ hoặc tăng dần trong vài ngày.
Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐĐN: Giảm thính lực tiếp nhận trên 30 decibels. Giảm thính lực ở 3 tần số âm liên tiếp. Giảm thính lực xảy ra trong vòng 3 ngày.
Đo thính lực cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh
Phần lớn ca bệnh đều không rõ nguyên nhân
Nguyên nhân của ĐĐN phần lớn khó có thể xác định. Một số giả thuyết về căn nguyên gây ĐĐN được đưa ra như sau:
Nhiễm virus: 30-40% các trường hợp ghi nhận có nhiễm trùng đường hô hấp trên trong vòng 1 tháng trước khi triệu chứng ĐĐN xuất hiện.
Do mạch máu: Các tổn thương làm giảm lưu lượng máu đến tai trong như vi huyết khối, vi thuyên tắc mạch, co thắt mạch máu, giảm huyết áp, xuất huyết nội mê nhĩ.
Giả thuyết do miễn dịch: Kháng thể kết hợp các kháng nguyên nội sinh ở tai trong.
Giả thuyết mất cân bằng áp lực như trong trường hợp sũng nước mê nhĩ.
Chỉ khoảng 10-15% các trường hợp ĐĐN có thể xác định được nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:
Các bệnh truyền nhiễm: viêm màng não, viêm mê nhĩ, viêm ốc tai có thể do các tác nhân nấm, vi trùng, virus (sởi, quai bị, Rubella, virus gây bệnh mụn rộp, virus gây bệnh thủy đậu,…) làm người bệnh bị ĐĐN.
Các bệnh lý mạch máu: tắc hoặc co thắt mạch máu tai trong, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ - máu,…
Các bệnh lý của tai trong như bệnh Ménière.
Sử dụng các thuốc gây độc cho tai: kháng sinh nhóm aminoglycosides, quinine, aspirin, cisplatin.
Các bệnh lý tân sinh u: U góc cầu - tiểu não, u ống tai trong, u di căn từ nơi khác đến xương thái dương hay màng não.
Do bệnh lý tự miễn: U hạt Wegener, viêm đa khớp, hội chứng Cogan, bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Chấn thương: Chấn thương đầu, chấn thương tai do áp lực (lặn sâu, đi máy bay, leo vùng núi cao,…), chấn thương tai do âm thanh, rò ngoại dịch.
Do các bệnh lý chuyển hóa: rối loạn chuyển hóa sắt, suy thận,… gây ĐĐN.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Mặc dù ĐĐN có thể tự phục hồi một phần hoặc hoàn toàn thính lực trong vòng 1-2 tuần, tuy nhiên nếu chẩn đoán và điều trị ĐĐN muộn có thể ảnh hưởng kết quả điều trị. Ngược lại, nếu người bệnh được điều trị kịp thời thì sẽ làm tăng đáng kể khả năng phục hồi thính lực.
Một số lời khuyên có thể giúp bạn phòng và giảm thiểu các tác hại do ĐĐN gây ra, đó là: Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp. Tránh những nơi có âm thanh lớn hoặc đeo dụng cụ hỗ trợ chống tiếng ồn. Sử dụng thuốc đúng chỉ định, tránh tự ý sử dụng kháng sinh không có chỉ định của bác sĩ. Tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ - máu và đái tháo đường. Khi các triệu chứng của ĐĐN xuất hiện, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay nhằm tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.
BS. Lê Định
Theo Sức khoẻ và đời sống