LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC HO, SỔ MŨI Ở TRẺ LÚC GIAO MÙA
Sổ mũi, cảm lạnh hay ho đều là những căn bệnh trẻ rất dễ mắc phải khi thời tiết giao mùa. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trong việc dùng thuốc điều trị bệnh, tránh gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.
1. Nguyên nhân gây bệnh sổ mũi, ho ở trẻ
Theo các chuyên gia thì ho là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ giúp bảo vệ cơ thể và làm sạch đường hô hấp, tống xuất đờm, dịch tiết ra bên ngoài. Tuy nhiên, trẻ bị ho cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau có liên quan tới đường hô hấp trên như viêm phế quản viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa, hen suyễn... Trẻ sẽ bị ho kèm với sổ mũi trong những trường hợp này.
Theo các chuyên gia thì ho là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ giúp bảo vệ cơ thể và làm sạch đường hô hấp
Một số nguyên nhân phổ biến có thể khiến trẻ bị sổ mũi, ho bao gồm:
- Do trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus gây cảm lạnh, cảm cúm;
- Hít phải khói thuốc lá từ người lớn ( khoảng 40% trường hợp);
- Do hệ hô hấp của trẻ còn nhạy cảm nên dễ bị tác động bởi các chất gây dị ứng và khiến bé sổ mũi;
- Do thời tiết thay đổi khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm;
- Trẻ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản...
Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?
Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!
2. Lưu ý khi dùng thuốc sổ mũi trẻ em
Việc trẻ bị sổ mũi uống thuốc gì, liều lượng ra sao rất quan trọng, bởi nếu trẻ uống nhầm thuốc hoặc quá liều thì sẽ gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, khi sử dụng thuốc sổ mũi trẻ em, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
2.1 Đối với các loại thuốc kháng histamin
Thông thường, khi bé sổ mũi, ho thì sẽ được cho sử dụng thuốc kháng histamin dạng siro hoặc thuốc nước để giúp chống dị ứng và làm dịu, giảm ho hiệu quả.
Ngoài những tác dụng đạt được thì loại thuốc sổ mũi trẻ em có chứa hoạt chất kháng histamin sẽ tồn tại một số tác dụng phụ như gây buồn ngủ. Cha mẹ không được lạm dụng điều này để giúp trẻ ngủ lâu và ngoan hơn vì rất có hại cho sức khỏe của trẻ. Các loại thuốc kháng histamin được khuyến cáo là không cho trẻ sử dụng dài ngày và không dùng trong trường hợp trẻ bị ho có đờm, mắc các bệnh lý hen suyễn, viêm đường hô hấp dưới.
2.2 Đối với thuốc kháng sinh
Một số trường hợp đặc biệt, khi trẻ bị sổ mũi, ho sẽ phải dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do trẻ bị viêm nhiễm nặng do tác nhân vi khuẩn thì mới dùng kháng sinh kết hợp, chứ không nên dùng chỉ một loại kháng sinh để điều trị cho hầu hết trường hợp, cảnh giác đề kháng kháng sinh.
Đối với những kháng sinh có thể gây độc tính thì bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn tùy theo độ tuổi của trẻ. Trẻ em sẽ không được dùng một số loại kháng sinh như: Cloramphenicol, Tetracyclin, Quinolon, Fluoroquinolon....
2.3 Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau
Thành phần hạ sốt, giảm đau có trong các loại thuốc trị ho, sổ mũi, cảm cúm, cảm lạnh thường được sử dụng là paracetamol. Ở liều bình thường, paracetamol có khả năng dung nạp tốt và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều paracetamol thì có thể gây độc cho gan và các tác dụn phụ như nôn, đau bụng... Chính vì thế, cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này điều trị bệnh cho trẻ, tuyệt đối tuân thủ đúng liều dùng và thời gian dùng thuốc.
Nếu sử dụng quá liều paracetamol thì có thể gây độc cho gan và các tác dụng phụ như nôn, đau bụng...
2.4 Các loại thuốc giảm ho
Hai loại thuốc giảm ho được sử dụng nhiều hiện nay là Codein và Dextromethorphan. Trường hợp bị ho bình thường thì không cần sử dụng thuốc, các thuốc giảm ho chỉ nên sử dụng khi bị ho khan, ho dai dẳng gây mệt, nôn ói, mất ngủ. Trẻ nhỏ nếu sử dụng hai loại thuốc trị ho, sổ mũi này có thể gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng, gây suy hô hấp, chính vì thế cha mẹ tuyệt đối cẩn trọng, tránh lam dụng thuốc này cho trẻ nhỏ.
2.5 Thuốc chống sung huyết, ngạt mũi
Các loại thuốc có tác dụng gây co mạch có thể dẫn đến làm giảm lưu lượng máu và làm giảm sung huyết mũi. Tuy nhiên, khi dùng thuốc quá liều hoặc cho trẻ em sử dụng thì có thể khiến co mạch toàn thân và tím tái, vã mồ hôi, tăng huyết áp, chóng mặt... Cha mẹ cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc này điều trị cho trẻ nhỏ, người bệnh mạch vành, suy thận người bị hen, đái tháo đường hoặc cường giáp...
Việc dùng thuốc sổ mũi trẻ em nếu đúng cách và tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ thì sẽ giúp bệnh nhanh khỏi, không gây tác dụng phụ. Đối với trẻ em, chỉ khi xác định chính xác nguyên nhân gây sổ mũi, ho thì mới đưa ra được phác đồ điều trị chính xác. Do đó, cha mẹ không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà phải đưa bé đi khám bởi bác sĩ có chuyên môn trước khi quyết định điều trị.
3. Cách phòng tránh sổ mũi cho trẻ khi giao mùa
Giữ ấm trẻ trong thời tiết giao mùa
Thời tiết giao mùa rất dễ làm suy giảm sức đề kháng ở trẻ, do vậy cha mẹ cần phải có những biện pháp giúp trẻ phòng tránh sổ mũi, ho khi giao mùa:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và giàu vitamin C giúp tăng cường đề kháng cho trẻ;
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa mà có thể chia nhỏ các bữa ăn để giúp trẻ hấp thụ và chuyển hóa thức ăn tốt nhất;
- Không cho trẻ ăn thức ăn lạ;
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ để giúp mũi trẻ thông thoáng, dễ thở, các mầm bệnh sẽ được đào thải ra ngoài;
- Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ;
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ trong những ngày lạnh, đặc biệt là vùng đầu, cổ, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân,...
Ho, sổ mũi... là những căn bệnh phổ biến mà trẻ có thể gặp phải bất cứ lúc nào, nhưng đặc biệt gặp nhiều vào thời điểm giao mùa. Do vậy, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về cách dùng thuốc ho, sổ mũi cũng như có các biện pháp phòng tránh bệnh cho trẻ. nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở uy tín để được tư vấn và thăm khám.
Cha mẹ có thể đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, vì đây là một trong những bệnh viện về thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường hô hấp, dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.