NÊN ĐƯA TRẺ BỊ SỐT ĐI KHÁM TRONG VÒNG 24H NẾU CÓ CÁC BIỂU HIỆN SAU

Võ Thị Ngọc Minh
2024-10-12
NÊN ĐƯA TRẺ BỊ SỐT ĐI KHÁM TRONG VÒNG 24H NẾU CÓ CÁC BIỂU HIỆN SAU

Phần lớn các căn nguyên gây sốt là do nhiễm virus, vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt và trở lại bình thường sau vài ngày. Tuy nhiên cha mẹ nên đưa trẻ bị sốt đi khám trong vòng 24h nếu có các biểu hiện sau.

1. Khi trẻ bị sốt cần làm gì?

Ở trẻ em, sốt  là một trong những dấu hiệu lâm sàng rất thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đôi khi sốt cũng xuất hiện do sự tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như thời tiết quá nóng bức, cha mẹ ủ ấm trẻ quá kỹ, trẻ sốt sau tiêm chủng vắc xin...

Cha mẹ nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt hiện tại:

  • Khi nhiệt độ từ 37,5 - 38,5 độ C là sốt nhẹ.
  • Khi nhiệt độ từ 38,5 - 39 độ C là sốt vừa.
  • Khi nhiệt độ 39-40 độ C là sốt cao.
  • Khi nhiệt độ từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.
 

 

Cha mẹ nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt

Khi xác định trẻ bị sốt cha mẹ nên có những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ đúng cách, cha mẹ nên:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt, hoặc chỉ cần cởi bớt quần áo, theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ và cho trẻ uống nhiều nước.
  • Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi vượt 38.5 độ C.
  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng 5 chiếc khăn ướt nhỏ: 4 khăn ướt đặt hai bên nách và hai bên bẹn, một khăn dùng để lau khắp người. Thay mỗi lần sau 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ của trẻ dưới 38,5 độ C hoặc sau khi đã lau 30 phút. Lau khô và cho bé mặc lại đồ mỏng. Cha mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm. Nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt của trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi hoặc nước điện giải oresol pha theo hướng dẫn để phòng ngừa trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải gây mệt mỏi.

2. Nên đưa trẻ bị sốt đi khám trong vòng 24h khi nào?

Cần cho trẻ bị sốt đi khám bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu có các biểu hiện sau:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ C, trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức trẻ.
  • Trẻ từ 2-4 tháng tuổi (trừ khi sốt xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm phòng và trẻ không có triệu chứng nặng nào khác).
  • Sốt trên 40 độ C ( nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi).
  • Trẻ đau khi đi tiểu.
  • Sốt kéo dài trên 24 giờ mà không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Hạ sốt hơn 24 giờ rồi lại sốt tái phát.
  • Sốt kéo dài trên 72 giờ do bất kỳ nguyên nhân nào.

3. Những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt

 

 

Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não

  • Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt.
  • Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.
  • Không được nặn chanh vào miệng trẻ.
  • Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát người cho trẻ.
  • Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não ( hội chứng Reye).
  • Tránh tâm lý sốt ruột cần cho trẻ hạ sốt nhanh mà vừa cho trẻ uống hạ sốt vừa nhét hậu môn cùng lúc vì sẽ gây tình trạng quá liều
  • Khi trẻ đang co giật , không giật tóc, vỗ vào người trẻ vì càng khiến trẻ bị kích thích và co giật nhiều hơn.
  • Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực...mà vẫn không hạ nhiệt, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị thích hợp hơn.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về chăm sóc đúng cách cho trẻ khi bị sốt tại nhà, ngay khi gặp những biểu hiện như đã nêu ở trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và xử lý kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra. Trẻ em ở bất kỳ giai đoạn nào cũng rất dễ mắc phải bệnh lý gây ra tình trạng sốt nhẹ, sốt cao.

Danh mục: Dinh Dưỡng Cho Bé