NHỮNG HIỂU BIẾT CƠ BẢN VỀ UNG THƯ TRẺ EM

Võ Thị Ngọc Minh
2024-07-08

Ung thư trẻ em là bệnh lý ác tính hiếm gặp hơn so với người lớn, thường gặp nhiều ở nhóm < 5 tuổi. Một số loại ung thư trẻ em mang tính chất di truyền và liên quan đến đột biến gen. Tuy nhiên, đa số các bệnh lý này không phát hiện được nguyên nhân rõ ràng. Tỉ lệ khỏi bệnh ở trẻ em nhìn chung trong khoảng 70-80%. Vậy, các loại ung thư nào thường gặp ở trẻ em và triệu chứng bệnh là gì? Quá trình chẩn đoán và điều trị ra sao?

1. CÁC LOẠI UNG THƯ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM

  • U não: Là loại ung thư hay gặp nhất ở trẻ em. U phát triển tại mô mềm của não hoặc u tế bào mầm trong não. Bình thường, u tế bào mầm thường xuất phát từ tinh hoàn hoặc buồng trứng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp u tế bào mầm ở hệ thống thần kinh trung ương.
  • Bạch cầu cấp: Là bệnh máu ác tính bắt đầu từ tế bào tạo máu của tủy xương, bao gồm: bạch cầu cấp dòng lympho và bạch cầu cấp dòng tủy.
  • U lympho: Là khối u bắt đầu từ hệ thống bạch huyết gồm u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin.
  • U nguyên bào thần kinh: Là ung thư của hệ thần kinh giao cảm, vị trí u có thể ở thượng thận, cổ, trung thất, tiểu khung.
  • Sarcoma: Là khối u hình thành trong xương và mô mềm.
  • U thận: thường gặp các khối u nguyên bào thận.
  • U nguyên bào võng mạc: có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên mắt.

2. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH

Các triệu chứng toàn thân: xanh xao, mệt mỏi, gầy sút cân, sốt thất thường không giải thích được nguyên nhân, đau kéo dài.

Các triệu chứng khác tùy theo vị trí khối u tiên phát, có thể gặp là:

  • Đau đầu kéo dài, nôn, mất thăng bằng, thay đổi hành vi
  • Mảng bầm tím dưới da. Gan, lách, hạch to
  • Khối bất thường vùng bụng hoặc các vị trí khác trên cơ thể
  • Dấu hiệu ánh đồng tử trắng

3. QUÁ TRÌNH CHUẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Ung thư nói chung và ung thư trẻ em nói riêng là nhóm bệnh cần có sự kết hợp đa chuyên khoa trong chẩn đoán cũng như điều trị.

3.1 Sau khi khám lâm sàng

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ:

  • Định hướng chẩn đoán

Chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu như: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu, các marker chỉ điểm theo từng bệnh ung thư.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, CT – Scanner, MRI, SPECT, PET- CT
  • Xét nghiệm có can thiệp như: lấy dịch não tủy và tủy xương. sinh thiết bệnh phẩm u để chẩn đoán trên giải phẫu bệnh, là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán.
  • Tổng hợp các kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định về loại ung thư, giai đoạn, biến chứng, có di căn hay chưa. Trên cơ sở đó, bệnh nhi sẽ được lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại.
  • Theo dõi sau kết thúc điều trị.

3.2 Điều trị và tác dụng phụ có thể gặp

  • Điều trị ung thư ở trẻ em đa phần là hóa trị liệu. Các khối u ác tính ở trẻ thường nhạy cảm với hóa chất. Hóa chất là thuốc độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa chất được truyền qua tĩnh mạch, hoặc động mạch và tủy sống.
  • Phẫu thuật sẽ được thực hiện ngay khi có thể nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn khối u, có thể thực hiện trước hoặc sau hóa trị liệu tùy theo vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn...
  • Xạ trị được thực hiện trong 1 số ung thư trẻ em như u não, sarcoma mô mềm.
  • Điều trị phối hợp như: hỗ trợ dinh dưỡng, giảm đau, chống nhiễm trùng...

Tác dụng phụ của có thể gặp trong điều trị:

  • Đau, nôn, buồn nôn, rụng tóc
  • Mệt mỏi, viêm loét miệng, kém ăn, quấy khóc nhiều
  • Thay đổi về hình thức bên ngoài có thể khiến trẻ tự ti
  • Thay đổi về hành vi
  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
  • Xuất hiện ung thư thứ phát

Ung thư trẻ em với tỉ lệ gặp không nhiều, triệu chứng lâm sàng đôi khi nghèo nàn nhưng có đặc điểm chung là đáp ứng tốt với điều trị và tỷ lệ khỏi bệnh khá cao. Trên đây là những hiểu biết cơ bản để bố mẹ có thể chuẩn bị tâm lý cho bản thân cũng như cho trẻ trước khi bắt đầu bước vào quá trình điều trị.

Danh mục: Dinh Dưỡng Cho Bé