LƯU Ý CÁC VẤN ĐỀ SƯC KHỎE CỦA TRẺ KHI MỚI ĐI HỌC
Những ngày đầu đi học, trẻ thường gặp khá nhiều trở ngại do thay đổi trường lớp, thầy cô, bạn bè cũng như nền nếp ăn ngủ rất khác so với ở nhà. Một trong những vấn đề mà hầu hết các bậc phụ huynh đều lo lắng đó là trẻ bị ốm khi mới đi học. Điều đó có nghĩa là các bậc phụ huynh nên chuẩn bị các cách phòng ngừa đối với các bệnh mùa tựu trường cho con.
Các bệnh mùa tựu trường thường gặp ở trẻ gồm:
1. Cảm cúm
Cha mẹ nào có con mới tựu trường cũng không khỏi bất an vì trẻ bị ốm khi mới đi học, ở nhà lại bình thường. Thậm chí có trường hợp trẻ đi học một hôm nhưng lại nghỉ ốm cả tuần khiến việc trở lại lớp là nỗi ám ảnh của phụ huynh và các bé.
Mọi người thường nghĩ rằng mùa đông mới là mùa bệnh cúm hoành hành, nhưng trên thực tế mùa thu lại chính là thời điểm bệnh cúm bắt đầu. Nhiệt độ mát lạnh của mùa thu - mùa tựu trường thường khiến cho virus cúm tồn tại lâu hơn. Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xuất hiện quanh năm và xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết chuyển giao mùa, chủ yếu do các chủng virus cúm gây ra.
Triệu chứng của bệnh giao mùa ở trẻ này thường khởi phát đột ngột, với biểu hiện sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Một số trẻ còn bị nôn mửa và tiêu chảy. Hầu hết trẻ có thể hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần nhưng cúm cũng có thể gây ra bệnh trầm trọng và tử vong ở nhóm có nguy cơ cao. Thời gian ủ bệnh 2-3 ngày, bệnh lây lan rất nhanh và dễ dàng qua các hạt nhỏ khi người bị nhiễm bệnh ho, bắn vào không khí, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng.
Theo WHO, việc tiêm phòng vắc-xin cúm làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70 - 80%. Ngay cả người khỏe mạnh, việc tiêm ngừa cúm làm giảm 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo sử dụng chích ngừa vắc-xin cúm và vắc-xin cúm tái tổ hợp.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho con, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, cho trẻ ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Nếu có điều kiện nên cho con tiêm vắc- xin cúm để phòng bệnh. Khi trẻ có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Cảm cúm là bệnh thường gặp trong mùa tựu trường
2. Viêm họng
Hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ thường bị suy giảm hơn vào mùa thu nên rất dễ bị viêm họng. Hơn nữa, sự thay đổi nhiệt độ, không khí và môi trường sinh hoạt, học tập có thể khiến các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh mẽ, vượt qua hàng rào miễn dịch của cơ thể.
Thường đau họng là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn với các triệu chứng như: chảy nước mũi, mắt ngứa và đỏ, giọng khàn, đau họng, khó thở, sốt. Khi trẻ bị đau họng quá 3 ngày, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
3. Tiêu chảy
Ngoài ốm, sốt và cảm cúm, tiêu chảy cũng là bệnh thường gặp ở trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo. Do sự thay đổi về môi trường sống, thói quen ăn chung, sinh hoạt chung tại lớp khiến trẻ dễ có nguy cơ nhiễm virus gây tiêu chảy. Nếu cha mẹ phát hiện con đi tiêu trên 3 lần/ngày, phân tiêu lỏng và nhiều nước thì khi đó trẻ đã bị tiêu chảy.
Tiêu chảy là bệnh cấp tính dễ gây mất nước, đặc biệt trẻ nhỏ. Tiêu chảy cũng là nguyên nhân hàng đầu gây biếng ăn và suy dinh dưỡng ở trẻ.
Hầu hết trường hợp, cha mẹ có thể điều trị tiêu chảy cho trẻ tại nhà bằng cách bù nước (ăn cháo hoặc súp...) và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi phát hiện trẻ bỏ bú, bỏ ăn, mệt lả, khát nước, ói liên tục, sốt, tiêu phân có máu, li bì, co giật... thì cần cho trẻ nhập viện ngay.
Ngoài ốm, sốt và cảm cúm, tiêu chảy cũng là bệnh thường gặp ở trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo
4. Bệnh tay - chân - miệng
Theo các bác sĩ, từ 6 tháng đến khoảng 3-5 tuổi là giai đoạn sức đề kháng của trẻ yếu nhất, dễ mắc bệnh nhất. Việc trẻ đến lớp bị ốm được coi là hết sức bình thường. Tuy nhiên phụ huynh cần lưu ý bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ, bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao số mắc vào các tháng 9, 10, 11 trùng với thời điểm trẻ bắt đầu đi học.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, lây từ người sang người, từ trẻ bệnh sang trẻ lành qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ.
Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng hoặc lưỡi, đặc biệt là xuất hiện các phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên cho trẻ uống nhiều nước và có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau và vitamin.
Các trường mẫu giáo giữ trẻ phải thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ cũng như bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ. Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trẻ mắc bệnh nghỉ học trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh.
5. Quy tắc phòng bệnh chung cho trẻ
Đảm bảo con đã tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để phòng ngừa các bệnh mùa tựu trường
- Đảm bảo con đã tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, lưu ý tiêm mũi vắc xin phòng bệnh cúm vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc: Trẻ từ 1-3 tuổi cần ngủ khoảng 13-14 tiếng/ngày, trẻ từ 3-6 tuổi ngủ khoảng 11-12 tiếng/ngày. Ngoài thời gian ngủ ở trường (2- 2,5 tiếng) vào buổi trưa, cha mẹ cần đảm bảo con ngủ khoảng 11 tiếng với trẻ 1-3 tuổi, 9 tiếng với trẻ 3-6 tuổi. Việc được ngủ đủ giấc giúp trẻ đảm bảo sức khỏe, duy trì sức đề kháng chống chọi bệnh tật.
- Rửa tay cho bé bằng xà phòng: Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đồng thời thay bỉm, vệ sinh cho con khi đi từ bên ngoài về nhà. Trẻ từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ có thể dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, tự rửa tay chân, thay quần áo, không đưa vật lạ vào miệng, không dụi mắt, khi hắt hơi hoặc chảy mũi phải biết dùng giấy lau...
- Tăng cường hoạt động ngoài trời: Cùng con đi bộ, vận động khoảng 30 phút mỗi ngày. Việc được vận động ngoài trời giúp trẻ thoải mái, vui vẻ về tinh thần và phát triển thể chất tốt hơn.
- Thực hiện cho trẻ ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh các vật dụng nấu ăn và sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, không cho mút tay, ngậm mút đồ chơi...
Trẻ cần được cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dãn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.