TỘNG QUAN BỆNH BƯỚU CỔ

Võ Thị Ngọc Minh
2024-08-06

Bướu cổ là gì?

Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp có biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.

Bướu cổ được chia làm ba nhóm là: bướu cổ lành tính, ung thư và rối lọan chức năng nội tiết tuyến giáp. Trong đó bướu cổ lành tính là hay gặp nhất chiếm 80% các trường hợp.

Bướu cổ lành tính là các trường hợp tuyến giáp tăng lên về kích thước mà không gây ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Do đó các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn  gây nuốt vướng nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ thì có thể phẫu thuật cắt bướu.

Nguyên nhân bệnh Bướu cổ

Nguyên nhân bướu cổ được chia làm ba nhóm chính, đó là:

  • Cơ thể thiếu iod, có thể do cung cấp thiếu hoặc do nhu cầu iod của cơ thể tăng cao.

  • Do dùng thuốc và đồ ăn: các thuốc chứa muối lithi được sử dụng trong chuyên khoa tâm thần, thuốc điều trị hen, thuốc thấp khớp… Một số đồ ăn như măng, rau cải, nguồn nước có độ cứng cao đều có ảnh hưởng đến sự tổng hợp hooc-môn  tuyến giáp và gây bướu cổ.

  • Một số rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh có tính chất gia đình.

Triệu chứng bệnh Bướu cổ

Tùy từng loại bướu khác nhau mà triệu chứng bướu cổ có thể chỉ có các dấu hiệu tại chỗ hoặc có các biểu hiện tại chỗ kèm theo các dấu hiệu toàn thân khác.

Dấu hiệu toàn thân có thể có trong bệnh bướu cổ:

  • Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh

  • Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân

  • Lồi mắt

  • Thay đổi giọng nói, thường gặp là khàn giọng.

Có khối ở cổ, dấu hiệu tại chỗ phụ thuộc vào kích thước của bướu. Khi bướu nhỏ hầu như người bệnh không có cảm nhận gì, khi bướu lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản, các dây thần kinh thì có thể có các biểu hiện sau:

  • Cảm giác cổ họng luôn bị vướng hoặc đau cổ họng.

  • Nuốt khó, nuốt đau.

  • Khó thở, thường gặp ở tư thế nằm.

  • Hay ho và nghẹn.

  • Thở dốc.

Đối tượng nguy cơ bệnh Bướu cổ

  • Những người không thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều iod đặc biệt hay gặp ở các khu vực miền núi.

  • Các đối tượng có nhu cầu các hormone tuyến giáp cao như: trẻ em đang độ tuổi dậy thì, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú…

  • Mắc các bệnh mạn tính như viêm đại tràng, tiêu chảy kéo dài, suy thận mạn.. ảnh hưởng đến sự hấp thu và đào thải iod.

  • Có tiền sử mắc các bệnh lý về tuyến giáp như: nhiễm trùng, u tuyến giáp, rối loạn tuyến giáp tự miễn.

  • Gia đình có người mắc bướu cổ hoặc có các bệnh lý về tuyến giáp.

  • Sau điều trị các bệnh lý tâm thần

Phòng ngừa bệnh Bướu cổ

Các biện pháp phòng bệnh đưa ra nhằm hạn chế các trường hợp bướu cổ lành tính và phát hiện sớm các loại bướu cổ khác để nâng cao kết quả điều trị. Bao gồm các phương pháp sau

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ iot cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu iod như: cá biển, mắm tôm, nước mắm. Sử dụng muối iod là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu iod.

  • Đối với các đối tượng mắc các bệnh lý tuyến giáp, sau điều trị các bệnh lý tâm thần, mắc các bệnh tiêu hóa và bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh bướu cổ cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

  • Khi có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh cần đến ngay các cở sở y tế gần nhất để được điều trị.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bướu cổ

Bướu cổ được xác định trên lâm sàng qua thăm khám thấy khối lồi ở cổ tương ứng với vị trí tuyến giáp.

Các xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán bướu cổ có thể thực hiện như:

  • Xét nghiệm máu: phát hiện sự thay đổi hooc-môn tuyến giáp.

  • Siêu âm tuyến giáp: xác định được sự thay đổi về hình dạng và cấu trúc tuyến giáp.

  • Xét nghiệm giải phẫu bệnh: lấy mẫu từ tuyến giáp qua chọc hút kim bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết tuyến giáp để xác định bướu lành tính hay ung thư.

  • Xạ hình tuyến giáp: là một xét nghiệm mới, hiện đại với hình ảnh chất lượng cho phép đánh giá hình ảnh chức năng của bướu cổ một cách toàn diện đồng thời giúp phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm. Đây là là một xét nghiệm không xâm lấn hoàn toàn không đau, không tác động vào tuyến giáp của người bệnh. Phương pháp xạ hình tuyến giáp đã và đang được thực hiện tại một số bệnh viện lớn tại Việt nam đặc biệt là tại bệnh viện Vinmec đã được áp dụng đạt được hiệu quả cao.

Các biện pháp điều trị bệnh Bướu cổ

Cách chữa bệnh bướu cổ như thế nào? Với các trường hợp cần phải điều trị, tùy thuộc vào phân loại và mức độ bệnh, bướu cổ sẽ điều trị bằng một trong ba cách sau: điều trị nội khoa bằng thuốc uống, xạ trị và phẫu thuật, cụ thể:

  • Điều trị nội khoa sử dụng các thuốc là hormone nhằm đưa lượng hormone tuyến giáp về mức độ bình thường hoặc điều trị các nhiễm trùng tại tuyến giáp. Điều trị nội khoa có thể được áp dụng đơn độc để điều trị các loại bướu cổ có rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc được áp dụng sau khi thực hiện phẫu thuật và xạ trị tuyến giáp. Điều trị thuốc phải tuân thủ, đúng chỉ định đều đặn hàng ngày và được kiểm tra định lượng hormone qua các lần kiểm tra định kì.

Danh mục: Sống đẹp mỗi ngày