TRẺ EM THỪA CANXI DỄ BỊ .... LÙN ?
Trẻ thiếu hoặc trẻ thừa canxi đều để lại những hậu quả xấu cho cơ thể. Khi được hỏi, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng trả lời tình trạng thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ em, thế nhưng không phải ai cũng biết trẻ thừa canxi cũng là nguyên nhân dẫn đến dễ bị lùn.
1. NGUYÊN NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG TRẺ EM THỪA CANXI
Trẻ em thừa canxi là tình trạng nồng độ canxi trong cơ thể trẻ nhiều hơn mức bình thường, điều này có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Trẻ em thừa canxi có thể do các nguyên nhân sau đây:
- Bổ sung canxi không tham khảo ý kiến bác sĩ: việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi cho trẻ hiện nay rất phổ biến với quan niệm tối ưu phát triển chiều cao cho trẻ, song nếu tự ý cho trẻ dùng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, rất có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ thừa canxi.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu canxi dễ làm cho trẻ em thừa canxi. Việc cho trẻ uống các loại sữa công thức bổ sung nhiều canxi, đồng thời sử dụng sữa thay thế hoàn toàn nước lọc là thói quen sai lầm mà nhiều bậc cha mẹ đang sử dụng có thể gây ra tình trạng trẻ thừa canxi.
- Mắc một số bệnh: nhiều trường hợp khác, trẻ thừa canxi vì bệnh lý. Một số bệnh u hạt chẳng hạn như lao, ...có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu, kích thích đường tiêu hóa hấp thu nhiều canxi từ chế độ ăn hơn và hệ quả là trẻ bị dư thừa canxi. Ngoài ra, cường tuyến cận giáp cũng là nguyên nhân khiến trẻ thừa canxi.
- Di truyền: Một số ít trường hợp trẻ em thừa canxi là do di truyền, các trường hợp này làm cho các thụ thể canxi trong cơ thể không hoạt động làm tăng canxi máu.
2. VÌ SAO TRẺ EM THỪA CANXI DỄ BỊ LUN
Bổ sung canxi cho bé ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết để hỗ trợ quá trình phát triển xương và răng ở trẻ. Nhưng thực tế, bổ sung như thế nào với liều lượng ra sao để trẻ hấp thu tốt thì không phải cha mẹ nào cũng biết. Chính vì vậy, nhiều người đã cho con trẻ sử dụng các chế phẩm sữa hàm lượng canxi cao hoặc các loại thực phẩm chức năng chứa nhiều canxi ngay từ khi mới sinh mà không tìm hiểu tác hại của việc thừa canxi đối với trẻ nhỏ. Vậy trẻ thừa canxi có sao không? Tuy canxi giúp xương và răng phát triển và hoàn thiện tốt, nhưng khi trẻ em thừa canxi thì sẽ gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe như giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie, phospho, ... khiến bé bị suy dinh dưỡng, nếu tình trạng kéo dài trẻ cũng có thể bị sỏi thận hoặc các tình trạng vôi hóa khác. Điều đáng ngại hơn, trẻ em thừa canxi có thể dễ bị lùn, hiện tượng này được lý giải như sau:
- Trẻ em sau khi ra đời, chiều cao của trẻ tăng lên nhờ quá trình cốt hóa sụn đầu các xương dài, làm cho các xương này dài ra. Khi xương chưa cốt hóa hoàn toàn, xương còn có thể dài ra và chiều cao của trẻ có thể tiếp tục tăng trưởng cho đến 25 tuổi.
- Khi trẻ em thừa canxi, hàm lượng canxi trong máu tăng cao và đi vào xương nhiều hơn, làm cho quá trình cốt hóa sụn không tối ưu mà xương bị khoáng hóa, cứng xương xảy ra sớm hơn, dẫn đến hạn chế sự phát triển xương, ảnh hưởng tiêu cực tới sử phát triển chiều cao của trẻ. Do vậy, ở các đối tượng trẻ em thừa canxi dễ gặp phải tình trạng bị lùn hoặc ngừng phát triển chiều cao.
3. TRẺ THỪA CANXI CÓ BIỂU HIỆN GI?
- Táo bón là dấu hiệu hay gặp ở trẻ thừa canxi: Khoa học đã chứng minh, trẻ em chỉ có thể hấp thu 60% lượng canxi được cung cấp, lượng canxi dư thừa còn lại kết hợp với chất xơ trong thức ăn và bị đào thải ra ngoài. Canxi có ái lực cao với nước nên dễ dàng kết hợp với nước ở ruột già làm phân rắn và cứng gây ra tình trạng táo bón.
- Đau bụng, buồn nôn: là những biểu hiện hay gặp do trẻ thừa canxi. Thừa canxi làm cho cơ thể của trẻ sản xuất quá nhiều hormon tuyến cận giáp, tăng nguy cơ bị bệnh cường giáp - căn bệnh khiến trẻ cảm thấy buồn nôn, đôi khi ảnh hưởng tới dạ dày và gây ra cảm giác khó chịu.
- Biếng ăn: trẻ thừa canxi ăn không ngon miệng, hay ra gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, làm giảm việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: lượng canxi được hấp thu bởi cơ thể tăng làm giảm mức độ hấp thu các chất dinh dưỡng khác như sắt và kẽm, trẻ em thừa canxi khiến cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này, không đảm bảo sức khỏe.
- Đau nhức các cơ: trẻ em thừa canxi có thể gặp phải tình trạng co cơ bất thường, chuột rút, đau nhức các cơ.
- Thường xuyên mệt mỏi và mất tập trung: trẻ em thừa canxi, lượng canxi trong máu tăng, gây cản trở hoạt động của não, dẫn đến trẻ mất tập trung, thờ ơ, và dễ dàng mệt mỏi, nặng hơn trẻ còn có thể bị trầm cảm.
- Khám sức khỏe có thể phát hiện canxi máu trẻ ở mức cao.
4. PHÒNG NGỪA TRẺ EM THỪA CANXI
4.1 Nắm được nhu cầu khuyến nghị
Trước hết, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ nhu cầu khuyến nghị canxi cho con trẻ theo độ tuổi để bổ sung đúng và đủ để, hạn chế xảy ra tình trạng trẻ bị thiếu hoặc trẻ thừa canxi. Theo bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, trẻ em cần được bổ sung canxi như sau:
- Từ 0-5 tháng tuổi cần 300 mg canxi/ ngày
- Từ 6-11 tháng tuổi cần 400 mg canxi/ ngày
- Từ 1-2 tuổi cần 500 mg canxi/ ngày
- Từ 3-5 tuổi cần 600mg canxi/ ngày
- Từ 6-7 tuổi cần 650mg canxi/ ngày
- Từ 8-9 tuổi cần 700mg canxi/ ngày
- Với trẻ trên 10 tuổi cần 1000mg canxi/ ngày.
4.1 Bổ sung canxi theo đặc tính từng độ tuổi của trẻ
- Đối với trẻ bú mẹ: Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ vẫn có thể nhận một lượng canxi nhất định qua sữa mẹ do đó mẹ cần ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu canxi, đối với trẻ chỉ cần bổ sung thêm vitamin D giúp hấp thu canxi tốt hơn cho đến tuổi ăn dặm tránh dấu hiệu trẻ thừa canxi.
- Trẻ em từ giai đoạn ăn dặm: trong độ tuổi này, nguồn dinh dưỡng ngoài sữa còn có thực phẩm được nạp vào cơ thể mỗi ngày. Trẻ em ở giai đoạn này, không cần thiết phải bổ sung thêm canxi ngoài thức ăn, mà các bậc cha mẹ cần ưu tiên cung cấp đầy đủ và đa dạng các dinh dưỡng cho trẻ qua chế độ ăn, bao gồm 4 nhóm: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất trong đó có canxi.
- Trường hợp trẻ có các dấu hiệu thiếu canxi cần phải bổ sung thêm từ các thực phẩm chức năng ngoài thức ăn: cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoăc các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn bổ sung canxi cho trẻ đúng cách, tránh tình trạng sử dụng quá mức làm trẻ thừa canxi.
Có thể thấy, tương tự như thiếu canxi, tình trạng trẻ em thừa canxi cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Đáng lưu ý là trẻ thừa canxi dễ bị lùn, hy vọng kiến thức này sẽ giúp các bậc phụ huynh có quan niệm đúng đắn hơn khi nuôi dưỡng con của mình. Trẻ em nên được cung cấp chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn và bổ sung canxi (nếu cần) theo hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc hoặc chế phẩm tăng cường canxi tránh khả năng gây ra tình trạng trẻ thừa canxi.