TRẺ TÁO BÓN NÊN ĂN GÌ?
Táo bón là tình trạng khá phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ, táo bón không chỉ khiến con khó chịu mà về lâu dài có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Do đó, việc thiết lập một chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh cho con trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng.
1. Các biểu hiện của trẻ bị táo bón
Một vài dấu hiệu điển hình của trẻ bị táo bón gồm:
● Trẻ đi đại tiện ít hơn hai lần một tuần
● Đi đại tiện phân khô cứng hoặc vón cục như phân dê
● Mỗi lần đi trẻ khó chịu, bị đau hậu môn
● Nếu trẻ đã biết nói trẻ sẽ nói cho bạn biết trẻ không thể đi đại tiện được
● Trẻ liên tục thay đổi tư thế, gồng mình, cong mông để rặn
● Bụng trẻ chướng, đầy hơi, đau bụng
● Són phân ít nhất 1 lần/tuần
Khi trẻ thường xuyên xuất hiện một trong những dấu hiệu trên thì khả năng cao con bạn đã bị táo bón. Lúc này bạn nên thay đổi chế độ ăn giúp tình trạng được cải thiện một cách tích cực.
2. Chế độ ăn cho trẻ táo bón
2.1 Thực đơn giàu chất xơ, hạn chế chất béo
Chất xơ có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của hệ tiêu hóa. Chất xơ ở ruột già là môi trường tốt để các vi khuẩn có lợi lên men, hút nước giúp mềm phân, khối lượng phân nhiều và dễ dàng thải ra ngoài. Nguyên nhân chính dẫn tới táo bón ở hầu hết các đối tượng đó là do thiếu chất xơ.
Để cải thiện tình trạng táo bón cho trẻ, các mẹ nên bổ sung đủ lượng chất xơ vào khẩu phần ăn của trẻ. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ như:
- Rau khoai lang, mồng tơi, cải xanh, súp lơ, rau bina, rau diếp cá, rau má,...
- Hoa quả như mận khô, các cây họ cam, bưởi, đu đủ, chuối tiêu, xoài, lê, táo, kiwi,... cung cấp đủ lượng chất xơ cho bé.
- Các loại củ như: khoai lang, củ cải đường,... cũng chứa nguồn chất xơ tuyệt vời cho cơ thể. Khoai lang được sử dụng là bài thuốc đơn giản chữa táo bón, bằng các món như khoai lang luộc, nấu, hầm,... khoai lang sẽ là lựa chọn ngon miệng cho khẩu phần ăn của bé.
Sử dụng các loại rau củ và trái cây để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc thay đổi thức ăn mỗi ngày cho bé đòi hỏi mẹ tính toán kỹ. Vì ăn quá nhiều chất xơ sẽ khiến tình trạng táo bón tồi tệ hơn.
Song song với chế độ nhiều chất xơ, các mẹ nên lưu ý hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ chiên rán, đồ uống có gas, bánh kẹo ngọt gây khó khăn cho quá trình đại tiện của bé. Đồ chiên rán, đồ ăn sẵn, đồ đóng hộp là một trong những kẻ thù của táo bón, khiến tình trạng táo bón ở trẻ nghiêm trọng hơn.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ táo bón
2.2 Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng đối với cải thiện tình trạng táo bón . Trẻ nhỏ là đối tượng luôn thụ động trong việc ăn uống, bé thường mải chơi quên uống nước, điều đó có thể khiến bé bị táo bón nghiêm trọng hơn.
Nước có vai trò loại bỏ các chất thải độc hại, cung cấp đủ nước cho đường ruột giúp làm mềm phân và tránh nguy cơ bị táo bón. Mẹ luôn nhắc nhở bé uống nước, tùy theo lứa tuổi mà bổ sung lượng nước khác nhau.
- Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống nước, nhưng nếu trẻ bị táo bón thì vẫn cho uống 100 - 200ml nước/ngày.
- Trẻ ăn dặm từ 6 - 12 tháng uống 200 - 300ml nước/ngày.
- Trẻ 1 - 3 tuổi uống 500 - 600ml nước/ngày.
- Trẻ 3 - 5 tuổi uống 1000ml nước/ngày.
- Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 - 2000ml nước/ngày). Nước có thể ở các dạng nước lọc, nước hoa quả, nước canh, nước sinh tố,...
2.3 Sữa chua
Nói tới tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa thì không thể nào bỏ qua sữa chua. Sữa chua chứa propiotic, thành phần quan trọng trong việc sản sinh các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Probiotic giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, cảm giác ăn ngon hơn, hấp thụ các thành phần dinh dưỡng và ngừa táo bón hiệu quả.
Mẹ nên lựa chọn loại sữa chua giàu probiotic để cải thiện hệ tiêu hóa cho bé. Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn quá nhiều sữa chua có thể gây tác dụng ngược như: gây khó tiêu, dị ứng thậm chí béo phì bởi trong sữa chua có đường.
2.4 Cho bé uống sữa mát, có thành phần chất xơ hòa tan
Một trong những sai lầm của mẹ khiến con bị táo bón là chọn loại sữa không phù hợp dinh dưỡng với bé. Một số loại sữa công thức trên thị trường hiện nay có chất lượng tốt xong thành phần dinh dưỡng lại quá nhiều cho bé, gây ra tình trạng táo bón ở trẻ.
Giải pháp cho tình trạng này là lựa chọn các loại sữa mát cho trẻ. Sữa mát là loại sữa bên trong không có thành phần đường mía, vị ngọt tự nhiên, dịu nhẹ gần như sữa mẹ. Sữa mát cũng bổ sung chất xơ cho quá trình tiêu hóa của bé tốt hơn.
2.5 Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu magie và kẽm
Magie và kẽm là các chất giúp tăng cường hoạt động của ống tiêu hóa, nhờ đó mà chức năng của đại tràng trong việc bài tiết chất thải cũng ổn định hơn. Ngoài ra, magie và kẽm còn tốt cho sức khỏe như điều hòa hệ thần kinh, vận chuyển canxi vào não, tổng hợp các hormon tăng trưởng giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Thực phẩm giàu magie là các hạt nguyên xơ, ngũ cốc như vừng đen, hạt lanh, hạt hướng dương, yến mạch, lúa mì, dưa hấu,... Còn kẽm có trong các thực phẩm hải sản như tôm, cua, thịt bò, hàu, ngũ cốc,...
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp thì bạn cũng nên chú ý đến một số vấn đề khác khi trẻ đang bị táo bón. Cụ thể như:
- Xoa bụng từ P - T theo chiều kim đồng hồ ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn bằng cách cho trẻ chạy nhảy, nô đùa, tập thể dục, thể thao thường xuyên.
- Tập đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô, bệ xí quá lâu.
- Nếu nứt kẻ hậu môn cần rửa sạch hậu môn và bôi thuốc
Bên cạnh đó, để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón cũng như phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Táo bón là tình trạng mà nhiều trẻ mắc phải, nhất là trong thời kỳ trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng và có chế độ dinh dưỡng điều chỉnh phù hợp. Nếu táo bón kéo dài khiến trẻ biếng ăn và khó chịu cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.