TRIỆU CHỨNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NHẸ
Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở mọi độ tuổi. Tuy vào tác nhân gây ngộ độc và mức độ tiêu thụ các thực phẩm có nguy cơ mà biểu hiện bệnh mức độ nặng nhẹ khác nhau. Vậy triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ như thế nào?
1. Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra sau khi ăn hay uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ra ngộ độc, thức ăn bị ôi thiu...
Thông thường các triệu chứng ngộ độc thực phẩm cấp tính có thể xuất hiện sau từ vài phút, vài giờ hoặc vài ngày sau khi ăn những thực phẩm bị nhiễm khuẩn, có chứa độc tố hay hoá chất độc hại.
Tùy từng mức độ ngộ độc mà những ảnh hưởng và biểu hiện bệnh khác nhau. Với trường hợp nặng các triệu chứng thường rầm rộ, xuất hiện nhanh và rất nặng, có nguy cơ gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Còn với trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ thì các biểu hiện chủ yếu trên đường tiêu hoá và gây mệt mỏi cho người bệnh.
2. Những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm nhẹ
Ngộ độc thực phẩm nhẹ thường ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng nó cũng có thể gây ra triệu chứng khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Cho nên, dù ở mức độ nhẹ cũng cần được phát hiện sớm để có những biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tình trạng này đối với sức khỏe. Một số biểu hiện của ngộ độc thực phẩm nhẹ xuất hiện sau khi ăn hay uống phải thực phẩm không đảm bảo, bao gồm:
- Đau bụng: Đây là một dấu hiệu rất phổ biến khi bị ngộ độc thực phẩm, nó xuất hiện khá sớm sau khi ăn thực phẩm không đảm bảo. Do những tác nhân ngộ độc có thể gây hại cho cơ thể nên tạo ra phản ứng kích thích gây tăng nhu động ruột để tăng tốc độ đào thải chất độc hại và từ đó khiến cho cho người bệnh bị đau bụng. Tuy nhiên, dấu hiệu đau bụng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau nên thường khó xác định có phải do ngộ độc thực phẩm hay không.
- Buồn nôn và nôn mửa: Đây cũng là một trong những cách tự nhiên giúp cho cơ thể dễ dàng đào thải các chất gây ngộ độc cho cơ thể ra ngoài. Tuy nhiên, do nôn nhiều cũng khiến cho người bệnh dễ bị mất nước nên cần chú ý bổ sung nước khi bị nôn.
Buồn nôn và nôn mửa là một trong các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ
- Tiêu chảy: Là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần trên ngày. Đây là triệu chứng phổ biến thường xuất hiện khi bị ngộ độc, do các nguyên nhân gây ngộ độc gây ra viêm niêm mạc đường tiêu hóa, khiến cho nó giảm khả năng tái hấp thu nước nên gây tiêu chảy. Đây cũng được coi là một biện pháp giúp cơ thể đào thải chất độc nhanh hơn, trong ngộ độc nhẹ biểu hiện tiêu chảy thường không kéo dài quá 3 ngày, không gây ra mất nước nặng.
- Đau đầu: Một số độc tố có trong thực phẩm gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh và gây ra đau đầu. Với mức độ nhẹ người bệnh thường chỉ đau đầu, nhưng nếu nặng có thể lú lẫn, co giật...
- Sốt: Với mức độ ngộ độc thực phẩm nhẹ thì người bệnh có thể không bị sốt hoặc sốt nhẹ. Sốt là một triệu chứng bảo vệ cơ thể giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng người bệnh có thể bị sốt cao trên 39 độ.
- Mệt mỏi và chán ăn: Đây cũng là biểu hiện thường thấy khi bị ngộ độc thực phẩm. Người bệnh thấy mệt mỏi và chán ăn có thể do bị mất nước hay các dấu hiệu như sốt, đau bụng, tiêu chảy khiến cho người bệnh không muốn ăn uống.
- Các dấu hiệu của bệnh thường diễn ra ở nhiều người nếu cùng sử dụng chung thức ăn gây ngộ độc.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ thường xuất hiện và hết sau thời gian ngắn với các biện pháp chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu như các biểu hiện này có kèm theo đi ngoài phân có máu; sốt cao; người bệnh nôn quá nhiều; có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, tiểu ít, họng khô, chóng mặt; tiêu chảy kéo dài; người bệnh co giật...cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.
3. Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm
Sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là điều rất cần thiết để giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng, các biện pháp sơ cứu khi nhận thấy người bệnh bị ngộ độc thực phẩm bao gồm:
Gây nôn: Trong trường hợp nếu người bệnh không có biểu hiện nôn thì cần tiến hành gây nôn để hạn chế độc tố vào cơ thể. Biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm chính là kích thích để người bị ngộ độc nôn thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch để đặt vào lưỡi của người bệnh nhằm kích thích gây nôn, người bệnh nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày thì càng tốt. Khi tiến hành gây nôn, đặc biệt là trẻ em cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi và không gây ra sặc cho người bệnh. Với người bị ngộ độc thực phẩm nặng đã bị hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở nguy hiểm tới tính mạng.
Khi gặp triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ bạn có thể sơ cứu bằng cách gây nôn
Uống nhiều nước: Sau khi người bệnh nôn và bị tiêu chảy thì cơ thể sẽ bị mất nước và điện giải. Cho nên, cần tiến hành bù nước và điện giải cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, nên uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù điện cho người bệnh. Nhưng để dùng oresol một cách an toàn người bệnh cần lưu ý:
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn cách dùng, cách pha đúng tỷ lệ. Bởi nếu pha đúng tỷ lệ mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp, pha quá ít nước khiến cho người bệnh dễ bị mất nước hơn hay nhiều nước hơn bình thường cũng cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.
- Chỉ sử dụng dung dịch oresol pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn. Bởi vì dung dịch đã pha có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Không chia nhỏ một gói oresol rồi pha nhiều lần vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây sai thể tích khi pha.
- Khi bị tiêu chảy nên tránh các loại oresol có hương vị, nhất là vị cam bởi nó có thể kích thích làm tăng nặng tình trạng đi ngoài.
- Không đun sôi dung dịch oresol đã pha vì khi đó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi và làm tăng độ thẩm thấu tương tự như khi pha với ít nước.
- Không pha với nước khoáng vì những thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, chỉ nên pha oresol với nước đun sôi để nguội.
- Khi nhiều người cùng bị ngộ độc, không cho các người bệnh uống chung vì điều đó có thể làm tăng tình trạng nhiễm độc của những người bị nhẹ.
Nên gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị phù hợp. Đặc biệt, những trường hợp ngộ độc thực phẩm là trẻ nhỏ thì nguy cơ bị nặng sẽ cao hơn người lớn. Hoặc trong các trường hợp người bệnh xuất hiện biểu hiện rầm rộ, triệu chứng nặng như sốt cao, li bì, hôn mê, tiêu chảy nhiều lần...thì cần ngay lập tức tới cơ sở ý tế gần nhất để được điều trị. Chú ý không nên cho nước bệnh uống thuốc cầm tiêu chảy, vì đây là một phản ứng giúp đào thải độc tố. Chỉ nên chú trọng bù nước, ăn uống nhẹ loãng dễ tiêu, bổ sung viamin khoáng chất đầy đủ.
Ngộ độc thực phẩm dù mức độ nhẹ nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Cho nên, điều quan trọng nhất đó là cần chú ý các biện pháp phòng bệnh hợp lý như ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, tránh những thực phẩm ôi thiu, thực phẩm chứa chất bảo quản hay thực phẩm chế biến ...