5 CÁCH NHẢY DÂY TĂNG CHIỀU CAO HIỆU QUẢ MÀ ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ
Nhảy dây có tăng chiều cao không?
Thông thường, các đĩa sụn tăng trưởng sẽ “đóng” lại hoàn toàn vào độ tuổi từ 14 – 16 đối với nữ và từ 15 – 17 tuổi đối với nam. Như vậy, nhảy dây rất có tiềm năng trở thành một trong nhiều cách tăng chiều cao hiểu quả hiệu quả khi bạn chưa bước qua độ tuổi 18.
1. Nhảy dây giúp xương kéo dài ra
Những môn thể thao như nhảy dây tăng chiều cao có tác dụng kéo dãn xương một cách đáng kể. Trong quá trình nhảy dây, toàn bộ cơ thể sẽ di chuyển lên xuống, phần xương sống và chân phải co giãn và bật nhảy liên tục một cách linh hoạt.
Đặc biệt, khi cơ thể ở trên không trung, toàn bộ hệ cơ xương khớp được thả lỏng một cách tuyệt đối. Khi tiếp đất, các ổ khớp lại nhận được lực đè nén từ trọng lượng của cơ thể, tạo thành một “tín hiệu” vật lý gửi đến não kích thích các đĩa sụn tăng trưởng mạnh mẽ.
Như vậy, nhảy dây không chỉ giúp các mô xương giãn nở, tăng độ dẻo dai mà còn đẩy nhanh quá trình sản sinh sụn xương – là nguyên nhân chính giúp tăng chiều cao.
2. Nhảy dây giúp cơ thể sản sinh nhiều hormone tăng trưởng
Các nghiên cứu đã chứng minh, tập thể dục thể thao, tập gym hay các bài tập thể dục nhịp điệu đều là các tác nhân mạnh mẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng GH . Loại hormone này thúc đẩy quá trình phát triển của tế bào xương khiến chúng dài ra, cải thiện được chiều cao của bạn.
Nhảy dây tăng chiều cao cũng là một trong các bài rèn luyện thể lực mang tính chất “nhịp điệu” lặp đi lặp lại; vì thế, nó cũng kích thích hormone tăng trưởng, hỗ trợ quá trình tăng trưởng chiều cao tối đa.
3. Giúp cơ thể thon gọn và tạo cảm giác cao hơn
Ngoài việc nhảy dây tăng chiều cao, chúng ta cũng có thể nhảy dây để giảm cân, sở hữu một thân hình thon gọn. Lý do là bởi nhảy dây giúp tiêu hao năng lượng, đốt cháy mỡ thừa đồng thời giúp các mô xương và cơ phát triển theo chiều thẳng đứng thay vì chiều ngang.
Một người nặng 68kg có thể đốt cháy khoảng 750 calo bằng cách nhảy dây tăng chiều cao liên tục trong vòng một giờ, tương đương 250 calo cho bài tập nhảy dây trong vòng 20 phút. Việc có một thân hình săn chắc, ít mỡ thừa đặc biệt là vùng hông và chân sẽ cải thiện tỉ lệ cơ thể, tạo cảm giác bạn “trông” cao hơn.
Độ tuổi thích hợp nhảy dây tăng chiều cao
Nhảy dây tăng chiều cao là giải pháp phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất khi áp dụng cho độ tuổi tiền dậy thì – dậy thì (từ 8 – 14 tuổi).
Để xác định được mình còn phù hợp với phương pháp nhảy dây tăng chiều cao hay không thì bạn nên tiến hành kiểm tra chụp X-Quang chẩn đoán tuổi của xương tại các bệnh viện chuyên nghiệp.
Nếu tuổi thật của bạn đã qua 18 nhưng tuổi xương của bạn thấp hơn con số này, đồng thời các đĩa sụn tăng trưởng vẫn chưa “đóng” lại hoàn toàn, thì bạn vẫn còn có cơ hội tăng trưởng chiều cao ngay cả khi đã qua 18 tuổi.
Tóm lại, hiệu quả của việc nhảy dây tăng chiều cao còn phụ thuộc vào “cơ địa” của mỗi người. Trong mọi trường hợp, các bác sĩ sẽ giúp bạn ước lượng chính xác về khả năng tăng chiều cao của bản thân trước khi bạn tiếp cận đến bộ môn nhảy dây này.
Dụng cụ, thiết bị cần chuẩn bị
Muốn phương pháp nhảy dây tăng chiều cao phát huy tác dụng mạnh mẽ thì trước khi tập luyện, bạn cần phải chuẩn bị dụng cụ và thiết bị cần thiết. Nutrihome sẽ gợi ý cho bạn chuẩn bị những dụng cụ và thiết bị dưới đây:
1. Chuẩn bị dây nhảy thích hợp
Dây nhảy có những quy định tiêu chuẩn về chiều dài và chất liệu để phù hợp với việc tập luyện. Một sợi dây quá dài sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để xoay, hạn chế tốc độ tập luyện. Trong khi đó, một sợi dây quá ngắn có thể không chạm đất, khiến người nhảy dễ bị trượt hoặc vấp ngã
Theo đó, khi mua dây, bạn có thể kiểm tra độ dài dây nhảy của mình theo cách sau để biết chúng có đạt chuẩn về chiều dài thích hợp hay chưa:
- Bước 1: Giẫm cả 2 chân lên giữa dây;
- Bước 2: Dùng 2 tay kéo căng 2 đầu dây lên trên kết hợp điều chỉnh vị trí giẫm chân sao cho chiều cao 2 tay (trong trạng thái đang kéo căng dây) là ngang nhau;
- Bước 3: Điểm cuối cùng của dây nhảy (không tính tay cầm) phải vừa chạm đến xương ức hoặc vùng nách của bạn thì mới là dây nhảy có chiều dài chuẩn.
Tóm lại, khi chuẩn bị dây hãy chú ý đến chiều dài dây, không thể lựa chọn dây quá dài hoặc quá ngắn so với cơ thể; như vậy, sẽ tránh gây khó khăn cho quá trình nhảy và giúp bạn tránh bị trượt ngã.
2. Chuẩn bị giày nhảy dây
Có nhiều người vẫn giữ thói quen nhảy dây bằng chân trần vì cho rằng như vậy rất thoải mái. Tuy nhiên việc lặp đi lặp lại một động tác nhảy, tiếp đất trong thời gian dài sẽ gây ra tổn thương nhất định cho bàn chân và cổ chân.
Cho nên để bảo vệ đôi chân của mình khi nhảy dây bạn hãy chọn một đôi giày thể thao có phần đế đàn hồi cao, có khả năng lún sâu, phản hồi được nhiều lực hoặc trợ lực bằng các đệm khí ở phần đế giày càng nhiều càng tốt. Tốt nhất, bạn nên mua các loại giày thể thao có phần đế được thiết kế riêng cho việc đi bộ hoặc chạy bộ – đây cũng là những loại giày phù hợp nhất để nhảy dây tăng chiều cao.
3. Chuẩn bị nước uống
Khi chúng ta vận động cơ thể bị mất nước khá nghiêm trọng, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khô nóng. Do đó việc bổ sung nước trong và sau khi tập nhảy dây tăng chiều cao rất quan trọng. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn nước ở nhiệt độ phù hợp để bổ sung ngay khi cần thiết.
Lưu ý, mỗi lần bổ sung nước không nên uống vượt quá 80ml (khoảng 2 ngụm nước đầy) và các lần uống nước phải cách nhau ít nhất 15 phút để tránh làm loãng máu đột ngột, gây chóng mặt, mất tỉnh táo, giảm hiệu suất tập luyện.
Hướng dẫn nhảy dây đúng cách để tăng chiều cao
Nhảy dây tăng chiều cao là phương pháp ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi sự đơn giản, thuận tiện và đầy hiệu quả mà nó mang lại. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được hiệu quả tập luyện tốt nhất, bạn hãy tham khảo một số hướng dẫn chi tiết dưới đây:
1. Khởi động trước khi nhảy
Trước khi tham gia bất cứ môn thể thao, việc khởi động kĩ càng là điều vô cùng cần thiết. Khi khởi động thì cơ bắp và hệ xương khớp của chúng ta được làm ấm, cải thiện lưu thông máu, tăng độ linh hoạt. Như vậy sẽ hạn chế được phần nào những chấn thương cũng như rủi ro có thể xảy ra khi luyện tập chẳng hạn như chuột rút (vọp bẻ), căng cơ, trật khớp.
2. Kỹ thuật nhảy dây đúng để tăng chiều cao nhanh
Nhảy dây là sự kết hợp nhịp nhàng giữa hoạt động của cả thân trên và thân dưới. Nhảy dây đòi hỏi sự hài hòa trong cử động của các bộ phận để tạo ra nhịp điệu phù hợp. Cho nên muốn nhảy dây tăng chiều cao nhanh không hề dễ dàng và bạn nhất định phải áp dụng đúng kỹ thuật.
Theo đó, các yếu tố kỹ thuật cơ bản mà bạn cần đảm bảo khi nhảy dây bao gồm:
Bật và tiếp đất khi nhảy
Động tác chính trong kĩ thuật nhảy dây là bật nhảy và tiếp đất. Khi bật lên, bạn phải dùng lực ở mũi chân để nhảy và khi tiếp đất cũng vậy. Trong quá trình chuyển giao giữa hai động tác, bạn có thể khuỵu gối nhẹ một chút.
Lưu ý:
- Không nên bật nhảy quá cao gây mất sức;
- Không nên tiếp đất bằng gót chân hay lòng bàn chân để tránh gây chấn thương gót chân;
- Không nên gồng và giữ thẳng khớp gối khi tiếp đất và bật nhảy mà hãy nhún vừa phải theo nhịp chuyển động để tránh gây chấn thương khớp gối.
Về phần tay
Khi nhảy dây, hãy nhớ đặt hai tay trước hông, thay vì dang rộng sang hai bên cơ thể. Kỹ thuật phù hợp sẽ giúp đảm bảo sợi dây chạm đất vào thời điểm và vị trí bạn muốn, để bạn có thể bắt nhịp.
Có rất nhiều người thường mắc sai lầm là xoay cả cánh tay trong khi tập nhảy dây. Tuy nhiên nếu thực hiện đúng kỹ thuật thì trong lúc nhảy dây chúng ta chỉ cần thả lỏng, xoay cổ tay để di chuyển phần dây nhảy trong khi khuỷu tay thì đứng im.
Về nhịp thở khi nhảy dây
Nhảy dây là một bài tập tim mạch (cardio exercise) chính hiệu , có nghĩa là nó sẽ làm tăng nhịp tim đồng thời làm tăng nhịp thở. Vì thế, khi nhảy dây cũng như tập luyện các môn thể thao, bạn nên cố gắng duy trì nhịp thở đều đặn.Tốt nhất trong thời gian đầu tập luyện nhảy dây tăng chiều cao, bạn nên tự đếm nhịp trong đầu để đảm bảo mình hít thở đầy đủ.
Nguyên tắc là bạn phải hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Trong khi hít vào, dây vẫn quay từ 2 đến 4 vòng và bạn có thể bật nhảy được từ 2 đến 4 nhịp. Tương tự, trong khi thở ra, bạn cũng có thể nhảy được từ 2 – 4 nhịp. Như vậy sẽ giúp bạn tăng sức bền khi tập và hiệu quả tập luyện tốt hơn. Và tốt nhất là bạn nên thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng.
Hướng dẫn 5 cách nhảy dây tăng chiều cao hiệu quả nhất
Có rất nhiều cách nhảy dây tăng chiều cao mà chúng ta có thể áp dụng. Tùy thuộc vào sở thích cũng như khả năng mà bạn có thể biến đổi cách nhảy linh hoạt sao cho phù hợp nhất. Dưới đây là 5 gợi ý của Nutrihome về cách nhảy dây tăng chiều cao hiệu quả và dễ thực hiện nhất!
Cách 1: Nhảy bằng 2 chân
Đây là cách nhảy dây thông dụng nhất mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện tại nhà. Bạn chỉ cần chuyển động sợi dây nhịp nhàng theo chuyển động của đôi chân sao cho chúng vượt qua dây nhảy là được. Khi nhảy, cả 2 chân của bạn sẽ đồng thời bật lên và đồng thời tiếp đất.
Để đạt được hiệu quả cải thiện vóc dáng, hỗ trợ tăng chiều cao, bạn nên thực hiện động tác nhảy trong vòng 60 giây, sau đó nghỉ không quá 60 giây và tiếp tục nhảy lại.
Cách 2: Nhảy thay thế chân
Nhảy thay thế chân hay còn có một cách gọi khác là động tác nhảy chân trước chân sau:
- Bước 1: Bạn cần chuẩn bị dây nhảy phù hợp và không gian rộng rãi an toàn.
- Bước 2: Nắm lấy cán dây nhảy, tung dây nhảy lên phía trên đầu và để 2 chân lần lượt vượt qua dây nhảy.
- Bước 3: Lặp lại động tác nhảy bằng chân trước rồi đến chân sau trong vòng 60 giây, nghỉ một lúc rồi tiếp tục nhảy.
Cách 3: Nhảy nâng cao đùi
Trong cách nhảy này bạn sẽ tiếp xúc đất bằng 1 chân, chân còn lại nâng cao tạo với mặt đất một góc bằng 90 độ. Khi nhảy lên bạn vẫn tiếp tục gập khớp gối như trên, lần lượt đổi chân theo mỗi vòng quay dây.
Cách nhảy này có độ khó tương đối lớn nên phải cẩn thận khi tập luyện. Mỗi hiệp nhảy kéo dài 60 giây, nghỉ khoảng 60 giây rồi tiếp tục nhảy lại. Lặp lại ít nhất 10 hiệp để hoàn thành một bữa tập kéo dài 20 phút.
Cách 4: Nhảy một chân theo chu kỳ
Cách nhảy này tương tự với cách nhảy thay thế chân nhưng có chu kỳ rõ ràng hơn. Đầu tiên chúng ta sẽ nhảy 8 lần bằng chân phải sau đó lặp lại 8 lần với chân trái. Mỗi hiệp nhảy vẫn kéo dài 60 giây sau đó nghỉ một lúc trước khi tiếp tục nhảy.
Cách 5: Nhảy lâu dài
Với phương pháp này bạn có thể chọn bất cứ cách nhảy dây nào trong 4 cách trên rồi thực hiện liên tục trong vòng từ 1 đến 5 phút. Sau đó, bạn nghỉ ngơi 1 phút và tiếp tục luyện tập với cách nhảy khác tùy chọn. Đối với phương pháp nhảy này, bạn nên nỗ lực hoàn thành ít nhất 600 lần bật nhảy trong 30 phút luyện tập để đạt hiệu quả đốt mỡ và tăng chiều cao tốt nhất.
Lịch nhảy dây tăng chiều cao
Tốc độ nhảy dây của người bình thường là khoảng 60 – 70 nhịp/phút. Sau khi tập luyện được 2 hiệp thì bạn có thể lựa chọn tăng tốc lên tùy theo khả năng của bản thân. Một buổi tập sẽ kéo dài từ 10 đến 20 hiệp tùy theo sức khỏe của bạn.
Chúng ta nên duy trì duy trì 3 – 5 buổi nhảy dây mỗi tuần, mỗi buổi tập ít nhất khoảng 30 phút. Trong đó, mỗi lần tập hãy dành ra 5 phút khởi động, 20 phút tập chính và 5 phút tập giãn cơ nhẹ để cơ thể quay về trạng thái bình thường.
Lưu ý quan trọng khi thực hiện nhảy dây tăng chiều cao
Thực hiện nhảy dây tăng chiều cao không yêu cầu quá nhiều kỹ thuật hay quy tắc. Tuy nhiên để việc luyện tập đạt được kết quả tốt nhất, hãy tham khảo những lưu ý quan trọng dưới đây.
1. Không nên nhảy dây khi quá đói hoặc quá no
Như bất kỳ bộ môn thể thao nào khác, nếu bạn tập nhảy dây khi quá no thì rất dễ gặp tình trạng “sốc” hông, đau tức bụng, giãn dạ dày. Còn nếu nhảy dây khi quá đói, bạn sẽ bị mất sức và tệ hơn là có thể ngất xỉu. Cho nên để đảm bảo an toàn khi luyện tập, bạn hãy ăn no trước khi nhảy dây từ 1 đến 2 tiếng.
2. Địa điểm nhảy
Địa điểm nhảy dây nên là những không gian bằng phẳng, ít vật cản để quá trình vận động diễn ra thoải mái nhất. Tối thiểu, một không gian nhảy dây phải có ít nhất 1.2 mét bề ngang, 1.8 mét bề dọc và cao hơn bạn 25cm.
Bề mặt sàn nhảy dây nên là sàn gỗ hoặc sàn bê tông vì chúng đem lại hiệu quả bật nhảy, tiếp đất tốt hơn. Tuyệt đối không chọn những bề mặt dễ biến dạng như bãi cỏ, bãi cát, bạt nhún khi nhảy dây để hạn chế tối đa chấn thương.
3. Khởi động và giãn cơ thật kỹ
Bạn khởi động càng kỹ thì khi nhảy dây phần cổ tay và khớp gối càng linh hoạt và ít bị chuột rút hơn khi tập luyện; đồng thời, cách làm này cũng giúp bạn không bị mất sức và dễ dàng hoạt động hơn.
4. Luyện tập vừa sức
Mọi người dù bất cứ trình độ nào để có thể thử sức với bộ môn nhảy dây. Khi ở trình độ của người mới, bạn nên tập nhảy chậm để từ từ thích nghi, không tạo áp lực cho cơ thể cũng như cảm nhận độ chính xác của động tác. Sau khi đã quen, bạn có thể tăng cường độ luyện tập nhằm đạt được hiệu quả thể chất mong muốn.
5. Nhảy dây với tốc độ tăng dần
Một người bình thường sẽ duy trì tốc độ nhảy dây ở mức 60 – 70 lần/phút. Khi mới bắt đầu bạn nên duy trì tốc độ nhảy này trong khoảng 2 – 4 phút rồi nghỉ. Sau đó khi cơ thể đã quen với nhịp độ có thể tăng lên 80 – 120 lần/phút.
6. Kiên trì luyện tập đều đặn
Bạn không thể cao lên chỉ sau một buổi tập mà cần ít nhất một năm kiên trì tập luyện để có thể nhận thấy sự khác biệt. Vì thế, nhảy dây là môn thể thao mà chúng ta có thể luyện tập hàng ngày. Việc duy trì thói quen nhảy dây thường xuyên giúp bạn duy trì hiệu quả tăng chiều cao tối ưu.
Tất nhiên khi đã nhàm chán với lịch nhảy dây tăng chiều cao cũ, bạn có thể tăng dần độ khó, cường độ và thời gian nhảy dây để kích thích cơ thể tiết ra nhiều hormone tăng trưởng, cải thiện chiều cao mạnh mẽ hơn.
Kết hợp nhảy dây cùng các yếu tố khác để tăng chiều cao tối đa
Nhảy dây tăng chiều cao là biện pháp được rất nhiều người lựa chọn để cải thiện vóc dáng và xương khớp. Tuy nhiên muốn phương pháp này đạt được hiệu quả tối đa thì cần kết hợp nhảy dây với các yếu tố sau:
1. Chế độ dinh dưỡng giàu dưỡng chất
Dinh dưỡng là tiền đề của sức khỏe cho nên dù bạn luyện tập bất cứ môn thể thao nào cũng cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng phong phú, cân bằng các nhóm chất như nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo và nhóm vitamin – khoáng chất.
Hãy xây dựng một thực đơn giàu dưỡng chất, tránh xa các chất kích thích để bảo vệ cơ thể và cải thiện chiều cao.
Đặc biệt bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm tăng chiều cao giàu canxi, magiê và vitamin D để xương phát triển tốt nhất có thể. Trong tự nhiên, nguồn nguyên liệu quý giá cung cấp đủ cho cơ thể cả 3 vi chất “vàng” bên trên đó chính là Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mát)
Với hàm lượng cao canxi, magiê và vitamin D, bất kỳ loại sữa nào cũng có thể hỗ trợ bạn tăng tốc chiều cao vượt trội, bao gồm cả sữa bò tươi hoặc sữa công thức.
2. Chế độ vận động phù hợp
Bên cạnh nhảy dây thì các chế độ vận động phù hợp cũng rất cần thiết để phát triển chiều cao. Hãy kết hợp nhảy dây với các môn thể dục khác có tác dụng hỗ trợ giãn cơ, giãn cột sống như bơi lội, yoga, thể dục nhịp điệu, đạp xe và chạy bộ để đạt được hiệu quả cải thiện tầm vóc tốt hơn.
Nhảy dây tăng chiều cao và các câu hỏi thường gặp
Khi bắt đầu tập nhảy dây, có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta thường gặp phải như nhảy dây có tăng chiều cao không hoặc đâu mới là cách nhảy dây tăng chiều cao hiệu quả. Dưới đây là đáp án cho những thắc mắc đó:
1. Nhảy dây bao nhiêu phút để tăng chiều cao?
Đáp: Thời gian nhảy dây tăng chiều cao lý tưởng nhất là 30 phút cho mỗi buổi tập (bao gồm 20 phút tập luyện chính, 5 phút khởi động và 5 phút giãn cơ sau khi tập). Tuy nhiên thời gian luyện tập cũng có thể kéo dài hơn (nhưng không quá 90 phút) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sức bền và khả năng của mỗi người.
2. Nhảy dây bao nhiêu cái 1 ngày để tăng chiều cao?
Đáp: Khoảng từ 900 đến 1800 cái.
Mỗi người trung bình có thể nhảy dây với cường độ 60 – 80 vòng/phút. Như vậy, trung bình trong mỗi buổi tập kéo dài tối thiểu từ 30 – 45 phút với hình thức nhảy liên tục 60 giây rồi nghỉ giải lao 60 giây luân phiên nhau, người bình thường sẽ cần nhảy khoảng 900 – 1800 cái mỗi ngày để kết thúc được một buổi tập nhảy dây điển hình, hỗ trợ quá trình tăng chiều cao hiệu quả.
3. Nên nhảy dây lúc nào để tăng chiều cao?
Đáp: Bạn có thể tập nhảy dây vào bất cứ thời gian rảnh rỗi nào trong ngày. Tuy nhiên thời gian luyện tập phù hợp nhất là vào chiều tối (tầm 4 đến 7 giờ tối).
Thời điểm này nhiệt độ cơ thể đang ở mức cao, nhảy dây sẽ giúp tăng cường chức năng của tim, cải thiện lưu thông máu huyết và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Qua đó, quá trình luyện tập sẽ kích thích hệ xương khớp kéo dài, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao rất tốt.
4. Có nên nhảy dây mỗi ngày không?
Đáp: Không nên nhảy dây mỗi ngày bởi vì sau khi nhảy dây, cơ bắp của chúng ta cần đến 1 – 2 ngày để nghỉ ngơi, sửa chữa và hồi phục. Việc luyện tập thường xuyên mà không có kế hoạch nghỉ ngơi hiệu quả rất dẫn đến quá tải và nguy cơ chấn thương hoặc chai cơ.
5. Nhảy dây có bị to bắp chân không?
Đáp: Nhảy dây chỉ khiến bắp chân săn chắc hơn chứ KHÔNG khiến bắp chân to hơn nếu bạn tập với cường độ vừa phải cùng một lịch trình tập luyện hợp lý.
Tuy nhiên, tùy theo tỉ lệ cơ thể và “gu” thẩm mỹ cá nhân mà một bắp chân có thể trông săn chắc với người này nhưng lại trông to hơn với người khác. Tốt nhất, bạn nên tự cân đối thể trạng của bạn thân để thiết kế lịch tập nhảy dây phù hợp, tránh khiến cho bắp chân làm việc quá sức, dễ dẫn đến tình trạng chúng trông to hơn bình thường.
Bên cạnh đó, nếu bạn nhảy dây sai kỹ thuật, phân phối lực sai cách thì việc bắp chân to ra là điều rất dễ hiểu. Do vậy khi luyện tập, bạn hãy chú ý nhảy dây đúng cách để tăng chiều cao của bản thân thay vì tạo “tác dụng ngược” là làm to bắp chân.
Tốt nhất, bạn nên nhờ một người có chuyên môn (chẳng hạn như thầy giáo dạy thể dục hoặc huấn luyện viên thể hình cá nhân) quan sát xem bạn đã nhảy dây đúng kỹ thuật chưa để kịp thời điều chỉnh tư thế càng sớm càng tốt.
6. Trẻ em nhảy dây có tăng chiều cao không?
Đáp: Trẻ em nhảy dây có thể tăng chiều cao đáng kể nếu được tập luyện đúng phương pháp, hưởng một chế độ dinh dưỡng khoa học, ngủ đủ giấc, có thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng như khi được kết hợp thêm với các bộ môn vận động thể chất khác.
Trên đây là tất cả những thông tin bạn cần biết về việc nhảy dây tăng chiều cao sao cho an toàn và hiệu quả. Hy vọng những chia sẻ của Nutrihome sẽ giúp các bạn tìm được cách nhảy dây tăng chiều cao hiệu quả nhất.