HẠ CANXI MÁU Ở TRẺ CÓ NGUY HIỂM
Hạ canxi máu có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhưng đặc biệt nguy hiểm vì có thể để lại những biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ. Tình trạng hạ canxi máu ở trẻ em cũng khó phát hiện hơn vì biểu hiện bệnh không thực sự rõ ràng và tăng dần cho đến khi nguy kịch. Vậy thiếu canxi máu là bệnh gì?
1. Tụt canxi máu là gì?
Hạ canxi máu còn được gọi là hạ canxi đường huyết chỉ tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp hơn giới hạn bình thường (chỉ số canxi máu bình thường là trên 8,8 mg/dl với nồng độ huyết thanh toàn phần). Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hạ canxi máu ở trẻ em tuỳ thuộc vào độ tuổi:
- Trẻ em ở 2 tuần đầu sau sinh: hiện tượng hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong giai đoạn này do nhu cầu phát triển xương mạnh, đòi hỏi lượng canxi cung cấp rất lớn, nhưng sau khi cắt dây rốn thì trữ lượng canxi từ mẹ cung cấp cho trẻ cũng không còn nữa nên nguồn cung cấp canxi thông qua sữa có thể không đủ cho nhu cầu của trẻ.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi thiếu canxi: có thể do mẹ bị đái tháo đường, chế độ ăn thiếu canxi, trẻ nhẹ cân, thiếu tháng lúc sinh, trẻ được nuôi bằng sữa bò có nhiều photphat, trẻ còi xương sớm.
- Trẻ suy tuyến cận giáp gây hạ canxi máu
- Trẻ thiếu vitaminD : cung cấp không đủ vitamin D hoặc trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng gây rối loạn chuyển hoá vitamin D dẫn tới hạ canxi máu
- Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như nhiễm trùng huyết, tác dụng phụ của thuốc hoặc do tăng lắng canxi ngoài lòng mạch,...
2. Hạ canxi máu ở trẻ em có biểu hiện như thế nào?
Tuỳ thuộc vào mức độ bệnh mà trẻ có các biểu hiện khác nhau:
- Giật mình khi ngủ kèm co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc thét kéo dài nhiều giờ hoặc suốt đêm, thậm chí có cơn ngưng thở trong khi khóc
- Tiếng rít thanh quản khi thở do mềm sụn thanh quản kèm co thắt thanh quản gây khàn tiếng, khó thở, tím tái và có khi ngưng thở.
- Trong cơn hạ canxi máu trẻ có thể có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa,...
- Cơn tetani: co giật toàn thân, liên tiếp nhiều cơn, có khi kéo dài 3-4 phút.
- Nếu trẻ không được điều trị lâu ngày có thể dẫn tới việc ảnh hưởng đến hệ xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống,...
- Thiếu canxi nặng còn có thể gây ngưng thở, cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim, thậm chí tử vong.
3. Điều trị hạ canxi máu ở trẻ như thế nào?
Nếu trẻ có cơn Tetani, co giật hay suy tim liên quan đến tụt canxi máu cần đưa trẻ nhập viện ngay và điều trị bằng các phương pháp sau:
- Calcium gluconate 1-2 mg/kg IV trong 10-15 phút, lặp lại liều tương tự sau 10 phút nếu cần. Nên pha vào dung dịch glucose 5% hoặc 10% với tỷ lệ 1 : 1 nếu cấu cứ hoặc 1 : 5 nếu không khẩn cấp
- Mắc monitor theo dõi nhịp tim
- Nếu trẻ có co giật thì chuyển sang điều trị Spasmophilie (duy trì)
- Kiểm tra ion máu trước và sau khi điều trị cơn co giật
Các trường hợp trẻ chỉ hạ canxi mà không có triệu chứng:
- Uống canxi 100- 200 mg/kg/ngày
- Từ ngày thứ 10-15 trở đi nếu canxi máu chưa bình thường có thể kết hợp thêm vitamin D 400-500 UI/ngày, sau đó dự phòng cho trẻ đẻ non, nhẹ cân từ 800-1000 UI vitamin D/ngày
- Nếu hạ Magie máu mà chỉ điều trị canxi có thể không hiệu quả nên kết hợp thêm MgSO4 0,03-0,05 g/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Sau đó có thể cho uống Magie lactate (0,002-0,003 g/kg/ngày) và ngưng từ từ trong 1 tháng để xem xét những rối loạn của trẻ.
4. Làm thế nào để phòng ngừa hạ canxi máu ở trẻ nhỏ?
Để hạn chế khả năng tụt canxi máu ở trẻ sơ sinh, trong thời gian mang thai người mẹ cần có các chú ý sau:
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm chứa canxi như sữa, tôm, cá, cua,...
- Khám thai định kỳ.
- Tiếp tục duy trì ăn uống đầy đủ sau sinh, không kiêng ăn cua, tôm cá và các loại thực phẩm chứa nhiều canxi khác
- Cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi, cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng để có thêm vitamin D.